Xét nghiệm máu chẩn đoán HIV. Ảnh: World News
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Jia Xie tại Viện Nghiên cứu Scripps (TSRI) ở California, đây là phương pháp "tiêm chủng tế bào" - được coi là một cách tiếp cận mới, nhằm bảo vệ cho các bệnh nhân một cách lâu dài, với "mục tiêu cuối cùng sẽ là kiểm soát HIV ở bệnh nhân AIDS mà không cần dùng các loại thuốc khác", Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia dẫn lời nhà nghiên cứu Jia Xie cho biết.
Phương pháp này liên quan đến việc "kết nối kháng thể chống lại HIV với các tế bào miễn dịch, tạo ra một quần thể tế bào kháng virus", báo cáo của tờ Science Daily nêu rõ.
Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, các tế bào kháng bệnh đã thay thế các tế bào bệnh, với các kháng thể bám vào bề mặt của chúng, và che chắn chúng khỏi virus HIV.
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng, phương pháp mới này tỏ ra hiệu quả hơn so với cách điều trị thông thường của bệnh nhân HIV thông qua "các kháng thể trôi nổi tự do".
Theo báo cáo, các nhà khoa học đang phối hợp với Trung tâm City the Hope về Trị liệu Gen (Hoa Kỳ) để đánh giá kết quả và thực hiện các xét nghiệm tiếp theo theo luật của liên bang, trước khi phương pháp này có thể được thử nghiệm trên bệnh nhân.
HIV là một virus lây lan qua một số chất dịch trong cơ thể và tấn công hệ miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là các tế bào CD4. Theo thời gian, HIV có thể tiêu diệt nhiều tế bào này để cơ thể yếu đi khiến bệnh nhân không thể chống cự lại được với nhiễm trùng và bệnh tật. Nếu không điều trị, HIV có thể dẫn đến AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).
Theo WHO, có khoảng 36,7 triệu người sống chung với HIV tính đến cuối năm 2015.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & CNA)