Mới đây nhất, trăn trở này đã được đặt ra với Liên hoan ẩm thực biển Lăng Cô, vừa kết thúc đầu tháng 7-2010. Không chỉ có pháo hoa, nhạc nước, những đặc sản ẩm thực biển... liên hoan đã dành không gian tương xứng để giới thiệu hơn 10 gian hàng do chính người dân địa phương tự tổ chức. Ý đồ của ban tổ chức là muốn thử nghiệm và duy trì lâu dài loại hình ẩm thực đêm đang rất thiếu tại thị trấn Lăng Cô gắn với tạo việc làm ổn định cho một bộ phận người dân bán hàng rong trên địa bàn.


Bãi biển Lăng Cô sẽ phát huy tốt hiệu quả nếu thực hiện các hoạt động xã hội hóa - ảnh minh họa từ internet

Từ ý tưởng này, Công ty Cổ phần Du lịch Đảo Ngọc (doanh nghiệp có dự án du lịch lớn tại Lăng Cô) hứa sẽ đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng. UBND thị trấn Lăng Cô cũng đang có kế hoạch tiếp cận các cơ quan chức năng, xin cơ chế đất đai, hình thành khoảng 20 gian hàng ở khu vực phía nam cầu Lăng Cô cho một số hộ dân chưa có việc làm tại địa phương. Nếu mô hình này triển khai, sẽ tạo việc làm cho khoảng 100 lao động, gắn với việc hình thành một trung tâm thông tin du lịch cộng đồng tại đây.
 
Như vậy, sau “Hương xưa làng cổ” tại Phước Tích, “Chợ quê ngày hội” ở cầu ngói Thanh Toàn, chủ trương xã hội hóa lễ hội đang mở thêm cơ hội để người dân nhập cuộc sâu hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, để mô hình du lịch cộng đồng sau lễ hội ở Lăng Cô và các lễ hội khác đạt hiệu quả, ngoài chủ trương, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể về kinh phí, cơ chế vay vốn, cơ chế hưởng lợi…dưới hình thức các dự án “mồi” hoặc đầu tư đến “chân hàng rào”.
 

                                                                                   Tiểu Muội