Theo thống kê của ông Phạm Nguyên, thành viên còn lại của tổ tự quản di tích nghĩa địa chùa Ba Đồn, từ năm 2007 đến nay, di tích này nhiều lần bị xâm hại: xây lăng mộ trái phép; bảng cấm bị đập phá; đốn bán các cây cổ thụ; mất chuông chùa... Nhiều lần, ông Phạm Nguyên làm đơn kêu cứu gởi cơ quan chức năng; báo chí trung ương và địa phương không biết bao lần lên tiếng; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế 4 lần phát văn bản yêu cầu chủ tịch UBND thành phố kiểm tra, giải quyết, báo cáo, nhưng các cơ quan chức năng vẫn im lặng một cách khó hiểu.

Gần đây nhất, sau khi nhận được đơn kêu cứu của ông Phạm Nguyên, một lần nữa, UBND tỉnh phát văn bản số 2656/UBND-VH yêu cầu chủ tịch UBND thành phố Huế kiểm tra, giải quyết, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15-7-2010. Đến cuối giờ ngày 15-7, nguồn tin từ Văn phòng UBND tỉnh cho biết vẫn chưa có một báo cáo nào từ UBND TP Huế về việc này (!). 

Đây không phải là lần đầu tiên và duy nhất các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn tỉnh bị xâm hại. Cũng không phải lần đầu tiên các cơ quan chức năng im lặng, hoặc xử lý nửa vời đối với các đối tượng xâm hại di tích. Vụ xâm hại di tích lăng mộ Tuy Lý Vương, xây nhà trái phép trong hàng loạt di tích và khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích... thời gian qua là những ví dụ sinh động.
 
Chính quyền các cấp cần có động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn để sớm chấm dứt việc xâm hại di tích nghĩa địa chùa Ba Đồn và nhiều di tích khác, Sự im lặng hoặc xử lý nửa vời khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng địa phương chỉ mạnh tay đối với các vụ xâm hại liên quan đến các di tích có thể thu được tiền bán vé? Phải chăng Thừa Thiên Huế là địa phương “tràn ngập” di tích, nên việc có một vài di tích bị xâm hại, thì cũng không phải là chuyện lớn (!?).
Tường Minh