Một ha cao su ở vùng ven thị xã có thể chuyển nhượng trên dưới 800 triệu đồng. Ở sâu chừng mươi mười lăm cây số, một ha điều giá cũng 350 đến 400 triệu đồng.

 

Cứ thế nhân lên. Những gia đình có 5 – 10 ha, thậm chí vài chục ha không hiếm. Vì thế cách sinh hoạt và phong cách giao tiếp của người nông dân Phước Long cũng nhuốm màu thành thị, nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc của người dân quê cũng là điều đáng trân trọng.

 

Chiếm khoảng 20% dân số của thị xã Phước Long, nên việc tìm hiểu đầy đủ thông tin về cộng đồng người Huế ở đây là điều không dễ. Được sự giới thiệu của bác Hồ Cường, Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Huế ở Phước Long, chúng tôi tìm đến Phước Tín, một xã vùng ven của thị xã Phước Long, nơi có đông cộng đồng người Huế sinh sống.

 

Quang cảnh của trung tâm xã Phước Tín cũng na ná như bất kỳ một trung tâm xã nào đó ở Thừa Thiên Huế. Cái khác là lâu lâu người ta lại bắt gặp những ngôi nhà xây hết sức bề thế. Và không khí nhộn nhịp của các xưởng chế biến hạt điều. Bước ra khỏi con đường chính của xóm là bạt ngàn cao su, điều, hồ tiêu. Ở đây có 130 hộ gia đình là người Huế sinh sống, nghĩa là có khoảng hơn 4.000 người.

 

Người Huế ở Phước Tín sinh sống chủ yếu bằng nghề làm vườn, trồng cây cao su và điều. Cũng có một số cơ sở chuyên chế biến hạt điều – một cây trồng thế mạnh của vùng đất này.

 

Sáng hôm ấy, chúng tôi dậy sớm theo chân anh Nguyễn Văn Trong đi thu hoạch mủ cao su. Gia đình anh Trong di cư vào vùng đất này từ năm 1957. Anh sinh ra và lớn lên ở đây. Nhưng rất lạ một điều là anh vẫn nói giọng Huế. Anh Trong có 2 ha cao su và chục ha điều. Sở hữu một diện tích đất như vậy được xem là hộ giàu. Một nông dân có tài sản năm bảy tỷ giá trị đất là điều chúng tôi khó hình dung được. Nhưng đó là sự thật đối với nhiều người Huế ở Phước Tín. Với nghề phóng viên tôi đã đi đến nhiều vùng nông thôn ở Huế, rồi đến Phước Tín nghe bà con nói thu nhập mỗi năm vài trăm triệu cứ nhẹ như lông hồng.

 

Năm nay giá cao su rớt đến hơn một nửa. Giá hạt điều cũng vậy, chứ những năm trước, mỗi ngày một nông dân thu vài triệu bạc là chuyện thường.

 

Có một câu chuyện hết sức thú vị. Đã là chủ các điền trang thì không bao giờ phải đi cạo mủ cao su, phải đi thu hoạch hạt điều. Tất cả những công việc này đều có nhân công làm. Hàng ngàn ha cao su và điều ở vùng này đã tạo ra công ăn việc làm cho một lực lượng lao động khủng khiếp. Ai không có vườn thì đi làm công. Giá công ở đây cũng rất cao. Hai vợ chồng cạo mủ cao su cho vườn của anh Trong có thu nhập bốn năm trăm ngàn đồng một ngày. Vùng đất này thật sự ưu ái với con người.

 

Khi đời sống kinh tế của người dân khá lên, cái gì phục vụ cho đời sống xem ra cũng có vẻ tinh tươm. Ngôi nhà trẻ của xã đủ sức nuôi dạy gần 400 cháu. Có đến 3 cơ sở đủ điều kiện cho các cháu bán trú.

 

Từ các vườn điều đã sản sinh ra một nghề rất phổ biến ở Phước Tín là chế biến hạt điều. Cơ sở chế biến điều của anh Trợ với hàng tấn điều vỏ một ngày không được đánh giá là một cơ sở lớn.

 

Anh Đoàn Thanh Hóa, Chi hội trưởng Hội Đồng hương Huế ở Phước Tín cho tôi biết, vui nhất ở Phước Tín chính là thời điểm thu hoạch hạt điều. Nếu mủ cao su cho sản phẩm rải rác quanh năm thì thu hoạch hạt điều chỉ tập trung vào một thời điểm. Mùa thu hoạch điều không khí ở các rẫy vui như trẩy hội. Từ mủ cao su và điều kéo theo nhiều điều tốt đẹp cho đời sống của người dân ở vùng đất này.

 

Đêm nay tại nhà anh Hóa, bà con người Huế tụ tập rất đông. Cũng là muốn để gặp gỡ chúng tôi, cũng là mời chúng tôi dùng bữa tối.

 

Men nồng của rượu cần làm ngây ngất lòng người. Giọng Huế vẫn cứ trầm nhẹ ở một miền quê xa lắc.

Lê Phương