Đất nước ta đang trên đà phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ. Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước với sự đầu tư mạnh mẽ cho các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch sinh thái… làm thay đổi hẵn cơ cấu kinh tế, cuộc sống của người dân. Đất đai sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cuộc sống của người dân bị đảo lộn ở nhiều khu dân cư.

 

Ai cũng biết rằng khi một khu đất đã nằm trong quy hoạch, lập tức người dân sống trong vùng quy hoạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Riêng việc chờ thực hiện quy hoạch thì chuyện ăn, ở của người dân đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Không được xây nhà kiên cố, sửa chữa cũng khó khăn, muốn thay đổi chỗ ở tránh vùng quy hoạch cũng khó mà thực hiện được. Việc chờ đợi này nếu là đất nông nghiệp thì ảnh hưởng còn ít vì người dân vẫn còn điều kiện sản xuất, canh tác khi chưa thực hiện quy hoạch. Ngược lại nếu là khu dân cư chờ giải tỏa thì có lắm vấn đề đặt ra. Trong thực tế, chúng ta thấy có những khu đất quy hoạch kéo dài 15-20 năm vẫn chưa thấy động tỉnh gì. Trong lúc đó cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch như bị “trói bó” lại. Sửa cái nhà, xây thêm phòng ở khi con cái trưởng thành, dựng vợ gã chồng là điều quá khó bởi phải giữ nguyên trạng chờ quy hoạch.

 

Như vậy, quy hoạch ở góc độ nào đó nó gây khó khăn cho cuộc sống thường nhật của người dân, người ta hay gọi đó là quy hoạch treo. Quy hoạch treo chính là mặt trái của quy hoạch xây dựng, bất kỳ cho mục đích nào nếu thời gian chờ đợi kéo dài quá lâu. Tất nhiên, quy hoạch nào cũng xuất phát từ bản chất tốt đẹp, định hướng tương lai cho sự phát triển của vùng đất và xu hướng phát triển chung. Việc kéo dài thực hiện quy hoạch có khi là 5 năm, 15 năm, 20 năm và dài hơn nữa là tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Chủ quan có, khách quan có. Ở các nước, vấn đề quy hoạch treo này cũng thường diễn ra, có những quy hoạch cho hàng chục năm sau, thậm chí hằng trăm năm sau. Nhưng điều quan trọng là người dân sống trong vùng quy hoạch vẫn yên tâm bởi những chính sách giải quyết cụ thể cho người dân sống trong vùng quy hoạch được thực thi với những quyền lợi thiết thực cho cuộc sống “chờ” thực hiện quy hoạch. Vấn đề yên tâm của người dân trong vùng quy hoạch được thực hiện ở quyền lợi của họ như: Người dân được xây dựng, mua bán, chuyển nhượng và được bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch. Đó là cái gốc của vấn đề.

 

Ở Thừa Thiên Huế, có nhiều vùng quy hoạch đặt ra những quy định quá chặt gây bức xúc cho người dân trong cuộc sống: không được phép xây dựng, không được sửa chữa nhà cửa, không được cơi nới, chuyển nhượng… Nhiều lần về công tác ở cơ sở, chúng tôi thấy người dân kêu ca quá, ưa sửa cái nhà cũng không biết xin phép ai. Hỏi xã, xã chỉ lên huyện. Hỏi huyện, huyện chỉ qua ngành chức năng. Hỏi ngành chức năng, họ chỉ vào các ban quản lý khu công nghiệp. Dân chạy lui chạy tới và cam chịu. Khu dân cư trong các vùng quy hoạch ở Lộc Vĩnh, Cồn Hến, Phường Đúc, Thủy Bằng... là những minh chứng.

 

Quy hoạch và sau quy hoạch, các ngành các cấp phải gần dân, sâu sát với cuộc sống của người dân hơn nữa. Gần dân chúng ta mới hiểu hết cuộc sống đang quá khó khăn của họ, khó khăn nhất là chuyện ăn ở trong vùng đã được quy hoạch. Nếu không gần dân, chúng ta sẽ không hiểu được cái khó của họ. Nhân dân rất tốt và ý thức được việc quy hoạch của chính quyền. Hiểu đến mức họ sẵn sàng viết đơn cam kết xin được sửa nhà, làm thêm phòng để giải quyết việc ăn ở. Khi dự án triển khai, quy hoạch đi vào thực hiện, họ sẵn sàng ra đi, chấp nhận chuyển chỗ ở mới; không đòi hỏi gì thêm. Ai sẽ là người lắng nghe và trả lời cho người dân về vấn đề này?

 

Được biết một số tỉnh, thành sau khi rà soát lại các quy hoạch treo, chính quyền đã thấy được vấn đề và họ đã có giải pháp tháo gỡ ngay. Cụ thể là giao cho Sở Tài chính đề xuất việc người dân có được sản xuất, kinh doanh, đầu tư gì trong khu vực quy hoạch. Nếu có thì khi Nhà nước thực hiện quy hoạch có đền bù cho phần xây dựng, đầu tư của người dân hay không? Giao cho Sở Xây dựng đề xuất về việc xây dựng nhà ở của dân trong vùng quy hoạch. Giao tham mưu cụ thể: xây cái gì, xây như thế nào? Giao cho Sở TN&MT nghiên cứu đề xuất giải pháp về quyền sử dụng đất của người dân trong vùng quy hoạch như chuyện mua bán, sang nhượng, cấp giấy chứng nhận.

 

Nếu gần dân, các ngành chức năng có tham mưu cụ thể, trách nhiệm, giải tỏa được cái khó cho dân thì công khai họp dân để cho nhân dân trong vùng quy hoạch yên tâm. Đó là việc làm vì nhân dân phục vụ, là công bộc của nhân dân. Đó là quy hoạch mang tính cộng đồng. Nếu không tình hình ở cơ sở diễn ra khá phức tạp. Có hộ làm liều thì được, hộ quen thân được làm ngơ cho xây dựng; người chấp hành nghiêm quy định thì thiệt thòi, khốn khó trong chuyện ăn ở. Nhùng nhằng này đang diễn ra ở các khu dân cư là một hiện hữu cần nghiên cứu để có hướng tháo gỡ.

 

Thời gian gần đây, báo chí phản ảnh khá nhiều. Tiếc rằng chưa thấy cơ quan hữu quan nào có ý kiến phản hồi. Và người dân sống trong vùng quy hoạch tiếp tục thấp thỏm với cuộc sống của mình. Đi cũng không ổn mà ở cũng không xong. Thiết nghĩ đã đến lúc cần rà soát lại các quy hoạch treo kéo dài. Rà soát và lắng nghe nguyện vọng của nhân dân để có hướng giải quyết. Đó là trách nhiệm của các ngành chức năng, của người cán bộ cách mạng. Đó cũng là hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu.

Chiến Hữu-Văn Chính