Chuyện rằng, xưa kia tiếng chuông chùa Hà Trung ngân vọng xa lắm, vượt qua sóng nước đầm phá mênh mông và bao tên đất, tên làng đến tận phủ chúa, cách xa hàng chục dặm đường. Chúa không ngủ được, bực mình buộc “thiến” chiếc chuông kia để tiếng kêu không còn vang xa nữa, phả hỏng giấc ngủ của chúa. Chuyện nghe cứ thực thực, hư hư. Người mới đây kể lại cho tôi câu chuyện lạ đời kia là vị sư đang trụ trì ở chùa còn chỉ cho thấy “vết trám” chỗ “bị thiến” còn in rõ dấu trên chiếc chuông có tuổi đời đến 400 năm này.

Hà Trung còn có tên gọi là chùa Phổ Thành. Xưa kia, vào cuối thế kỷ 17, có nhà sư người Triều Châu tên là Tạ Nguyên Thiều đến Quy Nhơn lập chùa Thập Tháp Di Đà. Nghe đồn Hiền vương Nguyễn Phúc Tần mộ đạo Phật nên vội giao chùa lại cho môn đồ, rồi ra Huế lập chùa Quốc Ân và tháp Phổ Đồng. Sư Nguyên Thiều được xem như vị tổ của dòng Lâm Tế xứ Đàng Trong. Trải qua khoảng 20 năm hành đạo gần bên phủ chúa, tổ được chúa Nguyễn ủy thác trở lại Quảng Đông thỉnh kinh, tượng Phật, pháp khí và mời các danh tăng về xứ Thuận Hoá. Trong số tượng Phật thỉnh có tượng Đức Phật Quán Thế Âm. Tương truyền, thỉnh pho tượng này là cho thủ phủ Kim Long, nhưng khi thuyền vào vùng phá trước làng Hà Trung thì mắc cạn không đẩy lên được. Nghĩ rằng, Đức Phật Quán Thế Âm muốn dừng lại, tổ cho thỉnh tượng lên bờ. Dân làng Hà Trung mừng rỡ, kéo nhau ra bờ phá lạy Đức Quán Thế Âm và xin được rước tượng vào làng. Theo chỉ dạy của tổ Nguyên Thiều, dân làng đốn cây cắt tranh dựng một ngôi chùa nhỏ để tôn trí pho tượng. Sau đó không lâu, chúa Nguyễn sắc chỉ cho tổ Nguyên Thiều làm trụ trì chùa Hà Trung, cấp tiền bạc để mở rộng qui mô, xây dựng chùa thành một danh lam của nước Việt.

Trở lại với chiếc chuông đặc biệt của chùa Hà Trung. Cũng có ý kiến cho rằng lính tráng quê ở Hà Trung theo vua Gia Long ra đánh Bắc Hà và lấy một quả chuông có tên như thế ở Bắc vào, rồi nhân tên trên chuông mà đăt tên chùa Hà Trung là “Phổ Thành tự”. Nghĩa là, nó không phải từ thời “xứ Đàng Trong”. Kẻ ngoại đạo là tôi không dám luận bàn. Chỉ biết rằng, ngay trong cuốn “Hải ngoại ký sự” của Sư Thích Đại Sán có ghi lại ba bài thơ tả cảnh chùa Hà Trung rất hay. Ngay trong bài số 1 có câu “Chung thanh điều đệ mãn hà phong”. Ông Nguyễn Hữu Vinh dịch là “Chuông chùa buông tiếng gió bên sông”.

Tiếng chuông chùa Hà Trung có từ thời sư Thích Đại Sán kia đã vang vọng cho đến hôm nay. Có điều, bây giờ không còn vang xa nữa, đến nỗi làm quấy động giấc ngủ của của vị chúa ngự trị tận phủ Kim Long. Người dân Hà Trung đã bảo với tôi, cũng là bởi do chuông “bị thiến” và cũng bởi cảnh quan không còn thông thoáng như dạo nào thuở ấy mà đã bị che chắn bởi nhà cửa, xóm làng, đê đập mọc lên ngày càng nhiều trong cuộc sống phát triển từng ngày như hôm nay. Thế nhưng, vẫn còn đó hằng ngay khi làng xóm lên đèn và lúc đêm khuya đã về sáng, người dân Hà Trung và các làng lân cận đều đặn nghe đủ 108 tiếng chuông vọng lên từ mái chùa làng Hà Trung như một nhịp thức không thể thiếu được trong cuộc sống đời thường.

Và tôi, đi giữa thành Huế một thời là kinh đô của đất nước, bỗng dưng nhớ đến tiếng chuông chùa Hà Trung. Lại nhớ đến ngoài kia Bác Vọng với tiếng chuông chùa Thiện Khánh. Còn xa hơn về phía Hà Trung là chùa Túy Vân, những ngôi chùa cổ tự. Rồi ngẫm nghĩ về tiếng chuông Thiên Mụ và của rất nhiều những ngôi chùa nữa ở Huế. Sinh ra, lớn lên được sống và bao bọc bởi những tiếng chuông chùa yêu thương và hỷ xả kia, hèn chi mà người Huế mình xưa nay nổi tiếng nhân từ và đức độ.

Đan Duy