Leo lên Bàu Hồ vào buổi chiều tà của một ngày đầu xuân có nắng hanh vàng mới thấy cái thú nhìn, ngắm, thưởng ngoạn cảnh quan bằng mắt ở trên cao. Trên này Bàu Hồ nhìn xuống, Hương Giang nằm dưới chân ta, cảm giác chênh vênh và thật lạ kỳ về một dòng nước trong xanh, yên ả và nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng sông như dải lụa mềm, uốn quanh và “quành nửa vòng tròn” nơi chân đồi để giã từ rừng già về với vùng xuôi. Từ khúc cong này, chia tay thế giới huyền thoại, Hương Giang hóa thành dòng sông kinh kỳ xa lạ mà cũng gần gũi đến vô cùng. Thấp thoáng đã thấy dáng hình của đô hội phố xá nơi ấy xa xa. Xưa vua quan nhà Nguyễn lấy nước sông Hương ở khu vực này để dùng. Lại nghe bảo nước sông ở đây còn đầy đủ vị nguồn, ngọt thanh như ánh trăng vọng chiếu.

Núi Kim Phụng nhìn từ Bàu Hồ

Bên ni Bàu Hồ nhìn sang bên tê Long Hồ và Ngọc Hồ, ai đó như bị mê hoặc bởi vẻ đẹp trầm mặc như bức tranh xưa của vùng đất bãi bồi ven sông. Bờ bãi, làng mạc xanh mướt. Tiếp nối đến ngút ngàn những nương rau xinh xắn cạnh bên nương bắp ngay ngắn lú nhú mầm xanh. Ẩn hiện trong màu xanh cây cỏ là những bến nước hay mái nhà ai chiều tà thấp thoáng khói lam chiều. Núi Kim Phụng như hiện hữu từ mọi hướng. Còn xa hơn, nơi cuối tầm nhìn là trùng điệp Trường Sơn nhiều mơ tưởng và hoài niệm. Lại như phát hiện, Huế mình gọn gàng trong vòng tay ôm ấp của xanh biếc núi non. Cũng thấy từ Bàu Hồ xa xa, ẩn hiện những điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ và cả Thành Nội, để từ đó tầm nhìn phóng về nơi biển phá. Thế nhưng, cái cảm giác đầy mơ màng kia không hề mất đi khi bước xuống từ Bàu Hồ để đi vào Nguyệt Biều, Lương Quán. Vườn nối tiếp vườn. Mùa xuân, cảnh quan trắng xóa màu hoa bưởi ngát thơm. Cảnh thanh bình cứ như đời Nghiêu - Thuấn vậy.

Một dạo nghe xôn xao chuyện người ta có ý định xây dựng một khu lưu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bao kẻ chờ đợi. Cảnh đó hợp với người kia. Cũng đã bàn tới ý tưởng của chính gia đình nhạc sĩ tài hoa bậc nhất Cố đô về việc hình thành ý tưởng biến khu vực này thành nhà nguyện tình yêu, bao gồm các không gian âm nhạc, hội họa thi ca... Vậy nhưng rồi, sau đó mọi cái đi vào quên lãng. Để tôi chiều nay, khi chớm xuân về, lang thang nơi đây như bắt gặp đâu đây bóng dáng gã nhạc sĩ họ Trịnh suy tư. Và còn nữa ẩn hiện một tài danh xứ Bắc là nhạc sĩ Văn Cao. Hình như cái cảm xúc “Thiên thai, chốn đây hoa xuân gặp bướm trần gian” có được là từ khi dạo bước chốn này.

Có lẽ tôi đã vì quá ấn tượng về Bàu Hồ để rồi thi vị hóa, chợt ùa về bao ý tưởng lúc xuân sang. Ừ, mà đâu chỉ có mình tôi. Trước tôi cũng đã có kẻ trong thoáng chốc ngập tràn cảm xúc đã từng thốt lên, không một địa điểm nào ngắm sông Hương, ngắm Huế đẹp bằng Bàu Hồ. Nói vậy là không phải để phụ một Vọng Cảnh vang danh. Đơn giản thôi mà, tôi thích và tự hào về Vọng Cảnh và cũng đã yêu rồi một Bàu Hồ ở trên cao.

Đình Nam