Nhiều thanh thiếu niên trẻ có hút thuốc muốn từ bỏ thói quen này. Ảnh: Huffington Post
Theo nghiên cứu, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu thế giới gây tử vong và bệnh nặng có thể phòng ngừa được, giết chết khoảng 6 triệu người/năm, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh của Hoa Kỳ (CDC) nêu rõ trong báo cáo về việc hút thuốc của thiếu niên. Hầu hết người hút thuốc đều hình thành thói quen này ở tuổi thiếu niên.
Báo cáo thu thập dữ liệu từ các cuộc điều tra thanh thiếu niên ở 61 quốc gia, được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2015. Một nửa các quốc gia trong số đó có tỷ lệ hút thuốc ít nhất là 15% đối với trẻ em trai và 8% đối với trẻ em gái.
Tác giả chính của nghiên cứu, ông Rene Arrazola thuộc Văn phòng Hút thuốc lá và Y tế tại CDC cho biết: "Hút thuốc đã làm hại đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể, và khoa học cho thấy hầu hết người hút thuốc lớn tuổi bắt đầu hút thuốc ở tuổi vị thành niên".
Ở tất cả các quốc gia trong nghiên cứu, tỷ lệ hút thuốc ở tuổi vị thành niên thấp nhất là 1,7% ở Sri Lanka, trong khi quốc gia có tỷ lệ cao nhất là Timor-Leste với 35%.
Trong phần lớn các nước, ít nhất 1/2 số người hút thuốc lá hiện nay cho biết họ muốn bỏ thuốc, nghiên cứu cũng cho thấy. Tỷ lệ học sinh hút thuốc muốn từ bỏ thói quen này mức dao động từ 32% ở Uruguay lên đến 90% ở Philippines.
Theo nhà nghiên cứu Karam-Hage, một loạt các chính sách ở cấp quốc gia có thể ảnh hưởng đến việc thanh thiếu niên trẻ hút thuốc hay không. Ông cho biết: "các giá trị văn hoá và các chuẩn mực trong từng quốc gia là điều quan trọng nhất, tiếp theo là các yếu tố kinh tế (giá cả và thuế), các hạn chế về tuổi tác và các chính sách...".
Tố Quyên (Theo Reuters & AP)