Quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, Chính phủ chỉ đạo cán bộ rà soát lại các quy định, loại bỏ các giấy phép con gây phiền toái cho nhân dân, doanh nghiệp. Theo đó, sẽ giảm bớt các quyết định cụ thể không cần thiết. Trong thực tế, Chính phủ đã phân cho UBND cấp tỉnh có quyền quyết định thành lập ban khu công nghiệp, khu chế xuất; miễn nhiệm, cách chức trưởng, phó các ban này. Giao cho UBND cấp xã có thẩm quyền xác nhận hộ nghèo, chứng thực bản sao, văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ của công dân... Các bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành đã triển khai những việc đã được quy định và phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.
Ở Thừa Thiên Huế, xác định công tác cải cách hành chính là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần ngăn ngừa, hạn chế tham nhũng, quan liêu, tiêu cực trong bộ máy chính quyền các cấp, chính quyền tỉnh chú trọng đến công tác này, xem đây là một trong những chương trình trọng điểm của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản cụ thể làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết thủ tục hành chính. Đáng chú ý là xây dựng các quy trình giải quyết công việc, giảm thời gian thụ lý, tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại các cơ quan, đơn vị. Trên các lĩnh vực hiện đang bức xúc như xây dựng cơ bản, đăng ký kinh doanh, đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..., Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc cải cách hành chính. Cải cách hành chính được tập trung làm rõ các nội dung và cải cách về quy trình giải quyết công việc: nhanh chóng, thuận lợi. UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể về quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết, phí và lệ phí... Xác lập cơ chế vận hành, quy trình công tác, hình thành quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Từ năm 2003, Thừa Thiên Huế đã triển khai cơ chế “một cửa” tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Năm 2002, đã triển khai cơ chế một cửa ở 25 xã và đến năm 2004, triển khai trên 100% xã của địa bàn tỉnh. Có thể nhìn nhận rằng, cải cách hành chính là chương trình trọng điểm mà Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo ráo riết, đem lại hiệu quả cao trong giải quyết thủ tục hành chính cho công dân và doanh nghiệp; đáng chú ý là thủ tục cho các nhà đầu tư nhanh, gọn, đúng pháp luật.
Từ cơ chế một cửa đến một cửa liên thông, Thừa Thiên Huế đang triển khai cơ chế một cửa điện tử nhằm hoàn thiện hoạt động của các cấp chính quyền. Điểm nổi bật trong cải cách hành chính của Thừa Thiên Huế là việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các sở, ngành và UBND huyện, thị, thành phố theo quy trình kết nối liên thông, đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Những thông tin về chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị được cập nhật, công khai kịp thời trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Hằng năm, Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều hội nghị với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin, lắng nghe, nắm bắt tình hình thực tiễn để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong tiến trình cải cách hành chính, Thừa Thiên Huế từng bước rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, hệ thống hóa trình tự giải quyết công việc trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính với công dân, với doanh nghiệp và cả trong nội bộ cơ quan hành chính Nhà nước.
Sự nỗ lực của Thừa Thiên Huế trong những năm qua về công tác cải cách hành chính thật sự đem lại niềm tin cho công dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây đó còn có nhiều sự việc nhiêu khê, phiền hà, gây khó cho công dân và doanh nghiệp. Chậm trễ, thái độ hách dịch, quan liêu vẫn còn diễn ra ở bộ phận một cửa. Xã hội lên án bằng câu cửa miệng: “Một cửa nhưng nhiều ổ khóa”! Trước sự vận hành chung, một bộ phận cán bộ sa sút phẩm chất thiếu ý thức rèn luyện, chưa đề cao trách nhiệm cá nhân đã làm ảnh hưởng đến công tác cải cách hành chính của tỉnh đề ra. Cấp một sổ chứng nhận quyền sử dụng đất kéo dài 3 năm, trong khi thủ tục hoàn toàn đầy đủ và hợp pháp. Có việc, trên chỉ đạo nhưng dưới không làm. Tiêu cực, cấp sai văn bản, giấy tờ vi phạm pháp luật. Thái độ gay gắt, quát nạt công dân vẫn còn diễn ra. Đây đó còn hiện tượng giải quyết công việc nhanh nếu có phong bao phong bì lót tay. Thật là tệ hại khi cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho công dân và doanh nghiệp.
Để công tác cải cách hành chính trôi tròn, hoàn thiện, thiết nghĩ cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra công tác cải cách hành chính, kiểm điểm, phê và tự phê bình đội ngũ làm công tác ở bộ phận một cửa, một cửa liên thông.
Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức cả về năng lực, phẩm chất đạo đức, thái độ phục vụ, nâng tầm đội ngũ công chức thực sự là công bộc của nhân dân. Thanh tra và giám sát công vụ, rà soát và quy hoạch lại đội ngũ cán bộ; thanh lọc cán bộ thoái hóa, biến chất, năng lực kém, làm cho bộ máy công quyền ngày càng mạnh. Mạnh về năng lực và sáng về phẩm chất.
Để công tác cải cách hành chính ngày càng toàn bích, cần quan tâm đến công tác đào tạo nghiệp vụ hành chính cho đội ngũ cán bộ cơ sở; nhất là cán bộ cấp xã, huyện, thị, thành. Ban hành và thực hiện quy chế thanh tra, giám sát công vụ, thực hiện cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, gắn cải cách hành chính với công tác thi đua khen thưởng, đề bạt cán bộ.