Lợn rừng, nhím rồi gà rừng… là những của hiếm của núi rừng. Ai cũng thèm được thưởng thức. Thế nhưng, đâu dễ, lại coi chừng xâm hại đến những nguồn lợi quốc gia cần được bảo vệ. Vậy, tại sao không nuôi lấy mà ăn, chẳng phải những vật nuôi ngày nay cũng đều xuất phát từ rừng núi cả sao, đó là suy nghĩ rất mạnh dạn và cũng rất có cơ sở thực tiễn của nhiều người. Nhớ ngày xưa mẹ tôi thường bảo, “của cho” chỉ là thứ “ăn chơi”, muốn “ăn thiệt” thì phải làm lấy, nuôi lấy mà ăn. Một bài học lớn.

Chuyện nuôi nhím của anh Lê Đăng ở Điền Hương (Phong Điền) là một ví dụ. Tình cờ xem chương trình “Chuyện nhà nông” trên ti vi thấy giới thiệu mô hình nuôi nhím hiệu quả cao, vậy là cái máu làm ăn trong người nổi dậy, trăn trở và tìm cách nuôi. Lúc đầu vốn ít chỉ dám nuôi vài cặp. Lâu rồi quen dần, được hiệu quả kinh tế mang lại kích thích nên mạnh dạn hẳn lên, vậy là đàn nhím nuôi tăng vọt. Đến nay, mỗi năm anh Đăng đã có thể xuất chuồng thu cả hàng trăm triệu đồng từ nhím nuôi. Rứa là lời rồi chứ còn chi nữa đối với một nông dân!

Tôi chưa tìm gặp những trang trại nuôi gà rừng ở Huế nhưng việc nuôi nhỏ lẻ thì nhiều lắm. Thịt gà rừng là quá tuyệt nhưng nhu cầu cao hơn hẳn hiện nay là việc mua gà rừng về làm cảnh. Mấy vị nhà giàu mới nổi có lắm thứ vui, trong đó chuyện thích được nhìn mấy chú gà rừng có dáng điệu le te, cái đuôi dài ngún nguẩy rất dễ ghét, buổi sáng cất tiếng gáy nghe tè tè hay đến là lạ. Còn hơn thế nữa là cái kiểu chọi, kiểu đá với phong cách máu lửa làm nức lòng bao người của mấy chú gà trống rừng. Vậy là phong trào nuôi gà rừng từ nhen nhún đến bùng phát, đem lại thú vui và thu nhập cho nhiều người. Tôi nghe chuyện, giá bán một chú gà trống rừng có trường hợp lên tới 7- 10 triệu đồng. Ghê thật.

Bên cạnh khả năng của từng người, tôi nghĩ làm ăn quan trọng nhất là thị trường, tiếp nữa là sản phẩm hướng đến nhu cầu của con người, còn lại không thể xem thường là những tác động xấu đối với môi trường sống. Rõ ràng, khi mà cuộc sống của người dân ta đã ngày càng khấm khá lên thì nhu cầu về của lạ, vật ngon cũng do đó tăng lên. Nuôi động vật rừng được xem như “của lạ” là cách làm ăn cần được cổ súy. Nó góp phần giúp cho nhiều người giải quyết công văn việc làm và vươn lên làm giàu. Mặt khác, lại đáp ứng được sở nguyện “ăn thịt thú rừng” lắm kẻ mê. Đó cũng là bài học thuần dưỡng động vật hoang dã, một bản năng và truyền thống lâu đời của nhân loại.

Đan Duy