Sự phát triển của nền kinh tế đang đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn với nhiều ngành nghề khác nhau. Điều này cho thấy sự chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng cho nhu cầu phát triển của tỉnh nhà là vấn đề cần đặt ra. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, trong 5, 10 năm tới, Thừa Thiên Huế cần có chiến lược đào tạo nghề cho lao động có trình độ cao đẳng trở lên 17% và giảm đào tạo nghề sơ cấp xuống còn 45% mới có thể bắt kịp hướng phát triển của tỉnh nhà. Thừa Thiên Huế đang có hai trường cao đẳng nghề và 6 trường trung cấp nghề. Tuy vậy, với tốc độ phát triển như những năm qua thì chừng ấy trường nghề là chưa đủ cơ sở để cung ứng nguồn lao động.

Theo số liệu thống kê cho thấy từ 2001-2011, cả tỉnh có hơn 140.000 lao động được đào tạo nghề, chiếm tỷ lệ 44% số lao động qua đào tạo nghề. Với con số cơ học là vậy nhưng trong thực tế, học viên của các trường nghề sau khi tốt nghiệp mới có 80% có việc làm. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cơ khí, tự động hóa, dịch vụ du lịch đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế khó tìm được nguồn lao động nghề kỹ thuật bậc cao tại địa bàn tỉnh. Nhiều hiệu trưởng trường nghề nói rằng, có nhiều doanh nghiệp đến trường đặt vấn đề tuyển dụng lao động ở các nghề hàn, điện... nhưng số học viên cung ứng chưa thể đáp ứng được.

Trường nghề chưa nhiều, chất lượng đào tạo nghề chưa hấp dẫn nên số học sinh vào trường nghề chưa nhiều. Trong khi tâm lý trọng bằng cấp, ngại lao động nặng nhọc của học sinh và cả các bậc cha mẹ học sinh khiến việc phân luồng đào tạo nghề chưa đạt kết quả như mong muốn. Những năm qua, nhiều trường đại học, cao đẳng được mở ra, điểm chuẩn hạ thấp, chỉ tiêu tuyển sinh lại tăng đã thu hút học sinh vào các trường này. Đó là bài toán khó không chỉ cho các trường nghề mà cả định hướng phân luồng, đào tạo nhằm vào hướng có nguồn nhân lực nghề đáp ứng nhu cầu lao động của các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Đã đến lúc cần có chiến lược đào tạo nghề sát với sự phát triển của tỉnh nhà. Chiến lược ấy cần đặt ra trong một khảo sát, điều tra thật cụ thể. Trước hết, đó là nhu cầu lao động thực tế cho các khu công nghiệp 5 năm, 10 năm tới. Việc khảo sát lao động gồm những ngành nghề gì, trình độ ngang đâu là vấn đề mà trường nghề cần tiếp cận với sự phát triển của tỉnh và nhu cầu của các doanh nghiệp. Từ đó, để nâng cấp cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng dạy. Cần có sự thay đổi trong kế hoạch dạy nghề theo khả năng của nhà trường sang dạy nghề theo nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Trường nghề và các doanh nghiệp cần có sự gắn kết trong đào tạo, đào tạo có địa chỉ, có chất lượng, bảo đảm cho học viên sau khi ra trường là có việc làm và việc làm tốt. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp và các trường nghề là hướng đi có sức thuyết phục nhất để thu hút học sinh. Khi có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, trường nghề mới có kế hoạch đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo chuyên sâu, xác định được nghề đào tạo chính yếu, thiết thực đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Theo dự báo đến năm 2015, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cần khoảng trên 24.000 lao động, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần có trên 15.000 lao động. Trong gần 40.000 lao động ấy gồm những loại hình lao động gì, trình độ đến đâu là số liệu và câu hỏi mà các trường nghề và các doanh nghiệp nên có sự hợp tác, liên thông trao đổi để tìm một phương án đào tạo, đặt hàng đào tạo lao động có tay nghề phù hợp với sự phát triển của các công ty, nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp.

Lao động tại chỗ vào làm việc ở các công ty, xí nghiệp tại các khu công nghiệp trong những năm qua phần lớn là lao động phổ thông. Số lao động này được các doanh nghiệp chủ động đào tạo nghề tại chỗ. Đó là một nghịch lý của sự thiếu hợp tác, liên kết giữa trường nghề và doanh nghiệp.

Năm 2013 là năm Thừa Thiên Huế có nhiều công ty, xí nghiệp, nhiều dự án đi vào hoạt động. Yêu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề là một đòi hỏi thực tế. Lao động phổ thông sẽ rất khó để tìm cho mình một việc làm tại các cơ sở sản xuất. Cho nên thông tin, quảng bá nhu cầu lao động của các doanh nghiệp đến với người dân cũng là điều cần thiết. Sự quảng bá ấy như một hướng dẫn cho người lao động định được hướng đi cho mình trước sự phát triển của xã hội. Quảng bá và thông tin nhu cầu lao động cũng là điều cần thiết cho các trường nghề hoạch định chương trình, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của xã hội.

Khi có sự liên thông giữa trường nghề và doanh nghiệp thì việc đầu tư thích đáng cho các nghề trọng điểm sẽ là hướng đào tạo có hiệu quả. Hiệu quả cho doanh nghiệp, thiết thực cho người học nghề và bền vững cho trường nghề.

Trường nghề và doanh nghiệp thiếu sự liên thông thì trình trạng doanh nghiệp cần lao động một đường, trong khi trường nghề đào tạo theo một nẻo khác. Sự không gặp nhau này sẽ là một lãng phí hiện hữu trong đào tạo nghề của những năm gần đây.

Chiến Hữu-Văn Thành