Cũng chưa thể xác định ngay được là ông Nghiêm Phúc – chủ nhà hàng Cát Vàng – đã nghiêm túc hay chưa khi đã có lời xin lỗi cộng đồng doanh nghiệp du lịch địa phương trong cuộc họp do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức với sự tham dự của đại diện Hiệp hội Du lịch và hơn 100 doanh nghiệp du lịch ở Phan Thiết (SGGPO ngày 14-3-2013). Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây cũng mới chỉ là lời xin lỗi trong một phạm vi hẹp và người ta đang chờ xem, sự hối lỗi này sẽ được thực hiện như thế nào trong hành động cụ thể, trong thái độ cụ thể và lâu dài. Điều chắc chắn là, khi một cộng đồng bị tổn thương sâu sắc, việc giải quyết không nằm ở lời xin lỗi mà ở cách xin lỗi. Cho dù, khó mà thu gió lại khi lời nói bay đi...
Dân gian có câu “cháy nhà ra mặt chuột”, từ chuyện xảy ra ở nhà hàng Cát Vàng, thông tin về kiểu phục vụ rặt mùi kỳ thị này đã được phát hiện thêm ở một số nơi, như một làng du lịch ở Lương Sơn – Hoà Bình; như hai nhà cổ Út Kiệt và Ba Đức ở Cái Bè – Tiền Giang và có thể là còn ở đâu đó nữa. Rõ ràng là không thể chấp nhận kiểu kinh doanh và lối hành xử như thế này nhưng mặt khác, sự nhìn nhận và điều chỉnh lại mình cũng là điều cần thiết đối với cộng đồng ở các góc độ văn minh trong ứng xử; văn hoá trong mua bán, giao dịch và văn hoá phục vụ ở biên độ rộng chứ không chỉ giới hạn trong một nhà hàng, một địa phương, một thành phố du lịch...
Huế chưa xảy ra vụ việc nào như ở nhà hàng Cát Vàng, nhưng sự mất lòng du khách hẳn là đã và vẫn còn diễn ra nhiều lần, ở nhiều nơi. Thái độ không đúng mực, nói thách và hét giá đã được chấn chỉnh ở nhiều khu chợ; các khu vực mua bán và cả dịch vụ ăn uống nữa cũng đã tiếp cận và tạo sự thân thiện với khách hơn bằng các bảng niêm yết giá… Tất nhiên, việc con sâu hay nhiều con sâu làm rầu nồi canh vẫn còn cần được giải quyết một cách triệt để, và nó cần nhiều hơn đến ý thức của những người chủ khi tham gia vào mạng lưới dịch vụ ở một thành phố văn hóa, như một cách để lưu khách và tham gia vào việc xây dựng hình ảnh của Thừa Thiên Huế trong quá trình phát triển…