- Tưởng hôm qua mình trực rồi?

- Ừm…!

Mẹ biết, cha ra đầm sen không hoàn toàn chỉ để trực gác. Họ có ba người, ba cựu chiến binh. Một người cụt tay, người nữa thiếu chân. Còn cha! Ông có vết thương lòng. Ba con người tàn tật canh giữ cho đầm sen lành lặn. Lặng nhìn dáng cha gầy gầy, bước chân mệt mỏi khuất dần sau hàng râm bụt trước ngõ, tôi bỗng thấy lòng chênh chao...

Tọa lạc ngay trước minh đường của làng, đầm sen là nơi trũng nhất cả vùng. Xung quanh là cánh đồng lúa, được bao bọc bởi bốn bề lau lách rậm rạp như bức tường phòng vệ tự nhiên. Đến hẹn, khi ngọn gió đầu mùa hây hẩy thổi về là từ làn nước hoang sơ trồi lên lớp lớp mầm sen ngỡ ngàng để nở ra muôn ngàn lá sen xanh mềm mại. Rồi, khi tiếng ve đã âm vang hòa tấu trên vòm lá là muôn ngàn ngó sen, những đài hoa đội bùn rẽ nước mà trồi lên mảnh khảnh nhưng tự tin.

*

Ký ức tuổi thơ chúng tôi có những thời đoạn sáng trong tươi tắn với đầm sen. Vào những đêm hè “ trăng thanh gió mát”, chúng tôi tụm năm tụm ba trên ốc đảo giữa hồ, để nghe cá quẫy, nghe tiếng con chim cuốc kêu khắc khoải, để chơi đánh chắt, đánh chuyền và thỉnh thoảng giật mình vì có con vật gì nhảy đánh tũm xuống nước. Ngơ ngác mơ màng tận hưởng hương sen theo gió phả lên từng đợt, từng đợt…

Bỗng một ngày hè. Bặt tiếng ve. Gió nóng thổi về. Máy bay gầm thét. Bom nổ. Cha tôi khoác ba lô tái ngũ cùng nhiều lớp trai làng ra trận, mang theo nỗi buồn về một mùa sen không trở lại.

Đói! một thập niên hậu chiến thiếu bát cơm. Mùa nắng, đầm nứt nẻ khô khốc. Bọn trẻ chúng tôi dắt bò ra đồng rồi háo hức đào bới tìm những củ sen ẩn dưới đất sâu. Nghịch dại thế mà lòng vẫn biết bâng khuâng mong mỏi sự trở lại của một mùa sen đã ngày càng trở nên xa ngái.

*

Khi cha tôi khoác ba lô bạc màu về làng thì, lạ lùng thay, ngày hè năm đó những chồi sen hiếm hoi lác đác trồi lên. Rồi năm sau, năm sau nữa, cả một mùa sen đã trở lại xum xuê như dự báo một dấu hiệu tốt lành: Anh em tôi lần lượt vào đại học. Sau này, trong những bữa cơm tất niên có đông đủ con cháu, cha tôi thường lý giải, cái sự sen hồi sinh là nhờ phù sa đắp bồi làm lành vết thương chiến tranh.

Cha rời quân ngũ, trở về phận nông dân bươn chải. Rồi ông, với chiếc áo lính khoác vai đi ra đầm, dẫu ngày áp tết sen chưa mọc.

Đi bên cạnh cuộc đời cha tôi là hình bóng một người phụ nữ suốt đời hy sinh vì chồng con. Những năm đói kém, nồi cơm nhỏ hấp sắn hấp khoai, mẹ ngồi nhìn lũ chúng tôi ngon miệng. Cuối bữa, người mang xoong về bếp cạo cháy hoặc ăn tạm củ khoai rồi vác cuốc ra đồng. Suốt cuộc chiến ôm gối chờ?, đến khi cha về tưởng được tay kề gối ấp thì… đêm đêm, đầm sen như hút hồn ông. Biết làm sao được, ngoài những đồng trợ cấp thương tật ít ỏi, việc gác đầm cũng mang lại ít nhiều, để trang trải, để hàng tháng gửi cho anh em tôi nơi giảng đường.

Cuối năm ba, tôi quen anh, nhưng vì những chuyện tế nhị mà không thể đưa anh về thăm đầm sen. Ngày trở lại, tôi xin cha một chục sen mang theo. Cha nhìn tôi cười cười: “ Con gái của cha trưởng thành rồi!”. Tự tôi cũng hoang mang, hình như mình đã lớn. Tặng những bông sen mà như trao cả trái tim dù không một lời hò hẹn…

Còn nhớ một câu Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa / Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Sau những ngày xuân muộn, gió nam sớm sẽ hây hẩy. Tiếng ve lại hòa tấu trên thảm lá. Mùa sen năm ngoái sẽ trở lại thôi, sớm trở lại…

Hồ Hải Nguyên