Vừa qua, tôi có dịp ghé thăm khu du lịch cộng đồng ở thôn A Hưa. Không xa A Hưa là đồi A Bia, nơi trong tháng 5-1969 diễn ra trận đánh ác liệt giữa ta và Mỹ. Một ký ức kinh hoàng với người Mỹ và họ gọi A Bia là “Hamburger Hill”, nghĩa là “đồi thịt băm”. Cũng đã có một cuốn sách của Samuel Zaffiri và một bộ phim rất nổi tiếng của đạo diễn Jhon Ivrin cùng có tên là “Hamburger Hill”. Có thể nói, A Hưa được lợi từ sự quảng bá gián tiếp này. A Hưa cũng có nghề đan lát và đặc biệt dệt zèng rất phát triển, có đường giao thông thuận lợi, cảnh quang núi đồi hùng vĩ và cũng đã có cơ sở lưu trú đảm bảo dành cho du khách. Khách đến A Hưa được thưởng thức các đặc sản ẩm thực, tham quan làng bản, xem văn nghệ, biểu diễn dệt zèng…

Du lịch cộng đồng được hiểu là hình thức du lịch được sở hữu bằng quản lý cộng đồng với các hình thức như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, du lịch làng, du lịch bản địa, du lịch văn hóa. Để phát triển du lịch, phải có 2 yếu tố quan trọng là tài nguyên văn hóa và tài nguyên môi trường. Tiếp đến là những yếu tố hỗ trợ, như giao thông, y tế, an ninh, thông tin, dịch vụ, mua sắm, nhân sự, nước sạch… Có thể cảm nhận được ở các khu du lịch cộng đồng trên địa bàn như A Hưa đã hội đủ những yếu tố quan trọng đó.
 
Điều băn khoăn là hiệu quả chung mang lại và sự hưởng lợi của người dân tham gia mô hình du lịch cộng đồng còn rất hạn chế và chưa thật rõ ràng. Khả năng tiếp cận để giới thiệu và bán các sản phẩm du lịch còn thiếu sự năng động cần thiết. Trong ngôi nhà rông ở A Hưa, tôi thấy trưng bày rất nhiều sản phẩm dệt zèng và đan lát rất đẹp và ấn tượng. Vậy nhưng, khi hỏi mua bán như thế nào thì được một cán bộ địa phương trả lời, rằng phải “đặt” trước. Tôi thắc mắc, sao không làm sẵn một số để bán cho khách tham quan đến đột xuất kiểu như tôi đây. Anh cười, người dân sợ làm ra không ai mua sẽ mất vốn. Tiếc quá, những mặt hàng này có thể giữ rất lâu và vốn đầu tư không quá nhiều.
 
Nhiều câu hỏi cứ đặt ra. Rõ ràng, cái thiếu ở đây là sự năng động. Rất nhiều khu du lịch cộng đồng được hình thành từ những mô hình và ý tưởng sẵn có, trong đó đôi khi người dân chưa được chuẩn bị để tham gia. Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch rất có lý khi cho rằng, muốn có được mô hình du lịch cộng đồng hoàn chỉnh, ngoài việc kêu gọi nhiều công ty du lịch, nhà đầu tư thì việc cần thiết nhất là đào tạo, nâng cao nhận thức cho cộng đồng làm du lịch tại địa phương. Dường như ở nhiều nơi, chúng ta đã bỏ quên yếu tố con người này.
 
Bảo rằng du lịch cộng đồng nếu chỉ “triển khai thí điểm” thì dễ, còn để làm hay, để “níu” được chân khách thì khó lắm là vì thế!
Đan Duy