Thời điểm những năm cuối thập niên bảy mươi thế kỷ trước thật khó quên khi mà vì mưu sinh và cũng vì sự hấp dẫn của những vùng đất bạt ngàn phía tây đã có không ít gia đình bồng bế nhau lên non khai phá và sinh sống để cho mấy mươi năm sau, chúng ta có được những A Lưới, Nam Đông dáng vóc như hôm nay, thôn bản của bà con Cà tu, Tà ôi… sống chan hòa bên cạnh xóm làng của đồng bào người Kinh. Ví như Nam Đông có 11 xã và thị trấn thì có 5 xã có chủ nhân từ miền xuôi lên, được gọi với cái tên chung là xã kinh tế mới. Còn với A Lưới là các xã Sơn Thủy, Hương Phong, Phú Vinh.
Người Việt mình và đặc biệt là người Huế, người Thừa Thiên đi xa vẫn hoài niệm và canh cánh một nỗi nhớ quê, nhớ nơi chôn nhau cắt rốn. Lịch sử hơn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân cũng đã chứng kiến bao đợt di dân khai phá vùng đất mới. Có những chuyến đi thật xa, lên Tây Nguyên hay vào tận Nam bộ. Cũng có những đợt di dân làm thay đổi nhận thức về cả một vùng đất như sau ngày giải phóng. Sách sử ghi lại, do dân số phát triển, địa bàn sẵn có không thể dung nạp được nữa, làm ăn trở nên khó khăn hơn, từ rất lâu rồi người ta bắt đầu di chuyển tìm nơi ở mới, hình thành nên các làng hậu kỳ, cơ cấu vẫn theo tập quán cũ. Vậy nhưng, như một cách để nhắc nhở con cháu chớ quên gốc gác cội nguồn, bên cạnh việc đặt tên mới hẳn, người đời đã lấy lại tên nguyên quán thêm yếu tố phân biệt. Chẳng hạn làng Dã Lê Thượng phân biệt với Dã Lê (gót), làng Thanh Thủy Thượng rạch ròi với Thanh Thủy Chánh hay làng Ngô Xá và các làng mới có từ Ngô Xá là Ngô Xá Đông, Ngô Xá Tây…
Cũng là cách nghĩ đó, nhưng có sự thay đổi ít nhiều là cách đặt tên những xã mới ở A Lưới và Nam Đông hôm nay. Xã Hương Giang thuộc huyện Nam Đông là xã kinh tế mới của người dân các phường ở Huế. Bản thân tên gọi Hương Giang gợi nhớ về dòng sông Hương, biểu tượng đầy tự hào của người dân Huế. Các xã Hương Phú hay Hương Lộc cũng của huyện Nam Đông gắn liền với cư dân gốc gác từ các huyện Hương Phú cũ (gồm cả huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy) và Phú Lộc. Hay Hương Phong là xã kinh tế mới của cư dân Hương Trà. Nó cũng là tên gọi của xã Hương Phong nằm ở phía dưới ngã ba Sình, vùng hạ lưu sông Hương, nơi còn bảo lưu nhiều giống lúa xưa thơm ngon như hẻo rằn, chầm dâu… và có rú Chá nổi tiếng đa dạng sinh học.
Cách nay không lâu, tôi vào Tây Nguyên, có dịp ghé thăm Phú Xuân, một xã kinh tế mới của người dân Thừa Thiên Huế ở huyện Krông Năng thuộc tỉnh Đắc Lắc. Những con người chưa hề biết mặt gặp nhau đã tay bắt mặt mừng, lạ thay như anh em bà con thân thương lâu ngày gặp lại. Giữa đại ngàn núi cao, cái xã Phú Xuân thật bé nhỏ nhưng đầy ấn tượng trong tôi, vẫn giữ cốt cách và nét Huế không hề lẫn lộn. Tôi nhớ mãi tâm sự của một cán bộ lãnh đạo địa phương, vào đây từ khi còn là cậu bé lên mười giờ cũng đã xấp xỉ tuổi nghỉ hưu, rằng quê hương vẫn là nỗi nhớ khôn nguôi trong anh. Không còn cha mẹ hay người thân ruột thịt nhưng anh vẫn còn ở “ngoài đó” những bà con cùng bạn bè, đặc biệt là ký ức không thể nào phai của một thuở ấu thơ và những mộ phần tổ tiên. Và anh đã bảo rằng, cái tên Phú Xuân mang theo nỗi nhớ quê hương, chính là sự nhắc nhở để các thế hệ con cháu ở vùng quê mới hôm nay và sau này không quên nguồn cội…