“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”
 

Trẩy hội Đền Hùng. Ảnh: Internet

 
 
Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ lâu đã đi sâu vào tâm khảm thiêng liêng của người dân Việt Nam. Trong tâm linh mỗi người, đây là cội nguồn, là nơi vun đắp lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. ến ngày Giỗ Tổ, hàng triệu con cháu khắp mọi miền lại nô nức tụ hội về Đền Hùng để kính dâng hương hoa, lễ vật, tri ân công đức các bậc tiền nhân mở lối đắp nền để dân tộc Việt Nam mãi mãi trường tồn. Trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh, tên những ngôi đền: Hạ, Trung, Thượng, rồi Giếng Ngọc, Cột đá thề… luôn thấm đẫm giá trị nhân văn trong lòng mỗi người.
 
Đã hai lần về dự Giỗ Tổ, họa sĩ Đặng Mậu Tựu – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế vẫn vẹn nguyên cảm xúc bồi hồi khi ngày Giỗ Tổ cận kề: “Cứ đến những ngày này, lòng tôi lại bồi hồi. Năm nay, dù không có điều kiện trở về, lòng tôi vẫn luôn hướng đến và dõi theo các hoạt động Giỗ Tổ qua truyền hình”. Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng độc đáo, có sức sống bền bỉ và trường tồn cùng dân tộc. Không chỉ để tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng mà còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị đã tồn tại hàng nghìn năm nay, thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.
 
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt Nam ở trong nước và cả nước ngoài đã lập 1.417 di tích thờ các Vua Hùng; vợ con, tướng lĩnh thời các Vua Hùng. Ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Pari (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đền Hùng là nơi Trường Xuân, một bạn trẻ ở Huế muốn đến từ lâu. Dịp Giỗ Tổ năm ngoái, em mới có cơ hội được trở về nguồn. Hòa trong hàng triệu người xếp hàng để thắp nén nhang thành kính, Trường Xuân cũng chung tâm trạng hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc. Trường Xuân nhớ lại: “Không phải là lần đầu tiên thắp hương nhưng cảm xúc trong em rất khó tả khi thắp nén nhang ở nơi thiêng liêng như Đền Hùng. Đó là cảm giác được trở về đất Tổ, về với cội nguồn. Các hoạt động trong lễ hội rất sôi động, thú vị, nhất là tái hiện cảnh nam thanh nữ tú mặc trang phục thời Hùng Vương, nấu bánh chưng, giã bánh dày, hát Xoan...”. Xuân chia sẻ, Giổ Tổ Hùng Vương là dịp để người Việt Nam đề cao niềm tự hào dân tộc, nhắc nhở giới trẻ chúng em luôn nhớ về cội nguồn và tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc để từ đó có ý thức làm những việc có ích cho cộng đồng. 
 
Năm 2013 là kỳ Giỗ Tổ Hùng Vương đặc biệt gắn với việc tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không chỉ kết tinh nét đẹp hội làng trong hội nước, công tác tổ chức Lễ hội Đền Hùng được nâng lên một bước là hội tụ những nét văn hóa tiêu biểu các vùng trong cả nước, kết hợp hài hòa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, tạo nên bức tranh lễ hội đa màu sắc, trong đó có những điểm nhấn để khẳng định đây là bản sắc của một lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội truyền thống Việt Nam.
 
Theo nhiều nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã vượt qua rào cản của các triều đại, vượt lên trên sự khác biệt của các chế độ xã hội, sự khác biệt tôn giáo và là biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập của dân tộc.
Trang Hiền