Chuyện xảy ra hơn cả trăm năm. Cũng đã có không ít nghi ngờ về địa danh gặp gỡ để mưu bàn việc lớn, sao lại xênh xang giữa dòng Hương, phía trước bến Văn Lâu có bao con mắt dòm ngó thế kia. Họ bảo, nơi gặp gỡ đó có thể là ở hồ Tịnh Tâm, một nơi nào đó trên sông Ngự Hà hay Hậu Hồ, ngay phía sau điện Kiến Trung nơi vua ở. Thế rồi ai đó như cũng thấu hiểu nỗi lòng ông hoàng Thúc Giạ khi bảo rằng, bến Văn Lâu như mở ra một chân trời bát ngát, mênh mông và cũng là sự nhắc khéo về một Thương Bạc gần đó, nơi một đêm kia có đấng quân vương trẻ đã dám coi nhẹ chiếc ngai vàng khi cất bước xuống thuyền, ra đi cứu nước cùng hai nhà cách mạng họ Trần, họ Thái.

Khi mà những Thái Hòa hay Đại Môn cung ẩn sau những tường thành cao lớn và Ngọ Môn chỉ nhìn thấp thoáng từ xa, thì Phu Văn Lâu nằm trên trục chính của Hoàng Thành Huế được xem là một trong những cảm nhận đầu tiên về một Huế cố cung cổ kính và quyền lực cùng với Nghinh Lương Đình, Thương Bạc hay Kỳ đài Huế đối với bất kỳ ai qua lại. Phu là trưng bày, văn là văn thư và lâu là lầu. Phu Văn Lâu do thế đơn giản là lầu trưng bày văn thư. Tương truyền, tòa lầu này dùng làm nơi niêm yết các văn bản mà triều đình nhà Nguyễn cần bố cáo cho thần dân được biết, bao gồm những chiếu chỉ của nhà vua hay bảng kết quả các cuộc thi Hội, thi Đình. Đây cũng là nơi triều đình tổ chức các cuộc lễ khánh hỷ mang tính quốc gia. Phu Văn Lâu được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long. Gần 190 năm tồn tại, Phu Văn Lâu được trùng tu khoảng 10 lần, sớm nhất vào năm 1905 (sau cơn bão năm Thìn, 1904, Phu Văn Lâu bị hư hỏng nặng), lần gần đây là vào năm 1995.

Phải một trăm năm sau mới ra đời câu hát “Chiều chiều trước bến Văn Lâu” nhưng đó lại là sự hữu duyên kỳ lạ khiến cho Phu Văn Lâu như có tâm trạng hơn và gần gũi với người đời, không còn vô cảm là cái lầu trưng bày văn thư của triều đình ngày ấy. Đó là cái tài và cũng tình nghĩa đậm đà, da diết của lòng người xứ Huế mà Ưng Bình Thúc Giạ Thị là người nói hộ. Còn nếu là hành trình khám phá Kinh thành Huế từ phía sông Hương thì Phu Văn Lâu là điểm nhấn đặc biệt. Dọc theo sông Hương huyền thoại, từ dưới này ngã ba Sình đi lên, qua Bao Vinh, Cồn Hến, Đông Ba…; hay ở trên kia ngã ba Tuần đi xuống, qua Hòn Chén, Thiên Mụ, Bạch Hổ… đều như dồn tụ trước Phu Văn Lâu - Thương Bạc. Đó là điểm đến, là nơi dừng lại trước khi đi vào chốn hoàng cung. Cảnh quan ấy gần gũi mà thiêng liêng khi trước mặt đã là thành quách rêu phong và phần phựt trong gió lá cờ đào đỏ thắm kiêu hãnh nơi Kỳ đài…

Đan Duy