Trời cho xứ Huế nhiều thứ, nhưng rồi cũng gieo sầu gây khổ bao điều. Sông suối, đầm phá dọc ngang chia cách dẫn đến sự cắt chia, gây nên bao cảnh cách đò trở giang khiến một thời nhớ về Huế lại ngán ngẩm, nhớ mong:“Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Ngày còn đi học, tôi có anh bạn thân quê ở tận Túy Vân. Dịp hè thỉnh thoảng về chơi, cả bọn đi xe đò từ Huế, ngồi đợi đò ở Cầu Hai có khi cả buổi ê ẩm, rồi nữa, hơn tiếng đồng hồ ròng rã lênh đênh trên phá. Còn buổi sáng hôm sau, ngủ dậy, mắt nhắm mắt mở đã phải vội chạy ra bến cho kịp chuyến đò máy qua sông. Chiếc cầu bắc qua do thế, tôi hiểu và thấm thía là ước mơ của cả một vùng đất.

Xóa bỏ sự cách ngăn của đôi bờ Hương Giang, bên cạnh Trường Tiền, người đời đã tạo nên những chiếc cầu Bạch Hổ, Phú Xuân một thời và sau đó bổ sung thêm những Chợ Dinh hay mới đây nhất là Dã Viên. Ngay cả với con sông đào An Cựu, chỉ một đoạn quá hơn cây số đã có tới 6 cây cầu bắc qua. Rồi bên trong, nơi phía kinh thành là những chiếc cầu cổ Vĩnh Lợi, Ngự Hà… Còn bây giờ gặp nhiều người dân Thừa Thiên, hỏi thay đổi gì lớn lao, mang tính cách mạng của mấy chục năm sau ngày giải phóng, không ít người chẳng tý chần chừ, đó là những chiếc cầu bắc qua phá Tam Giang. Bắt đầu từ năm 1989 khi cầu Thuận An đầu tiên được khởi công và một năm sau thì khánh thành, đến nay đã có một loạt chiếc cầu bắc qua phá Tam Giang, nào là Trường Hà, Tư Hiền, Ca Cút… Người đời bảo, và tôi cũng cảm nhận thế, đó là những cây cầu đánh thức tiềm năng đầm phá Tam Giang.

Dễ chừng cũng đã hơn 10 năm rồi mà hình ảnh về cầu Trường Hà, chiếc cầu bắc qua đầm Thủy Tú trên phá Tam Giang nằm ở miệt Phú Vang trong ngày vui khánh thành vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi. Nhớ nhất là có rất nhiều cụ ông khăn đóng áo dài chỉnh tề đi lại thật đông vui như dự hội và những em nhỏ đôi mắt xoe tròn ngập tràn hạnh phúc cứ tung tăng trên cầu. Người dân quanh vùng đã có những đêm không ngủ trong ngày nhịp cầu nối những bờ vui. Không vui làm sao được khi mà bao đời nay, người dân vùng đầm phá đi về phía biển hay trong hành trình ngược lại phải đi đường vòng dài gấp đôi gấp ba hay phải vượt phá trên bao chuyến đò may rủi.

Cầu Dã Viên khánh thành, nghe bàn tán nhiều nhất chuyện đặt tên cho cầu và sự xuất hiện 6 vọng lâu trên cầu. Ở Thừa Thiên Huế, mỗi chiếc cầu mới xuất hiện hầu như gắn với một bến đò ngang đi vào dĩ vãng. Vậy nên, đặt tên cầu từ tên bến đò xưa hay một cái gì đó gắn liền với truyền thống cũng là một cách hoài niệm, mang tính nối tiếp và kế thừa. Những vọng lâu xuất hiện ở cầu mới trên sông Hương lại là mong ước tạo nên sự khác lạ, cho dù hiệu quả đạt được là chuyện đáng bàn. Nó cũng như cái thế đầy sáng tạo “sáu vài mười hai nhịp” làm nên tên tuổi mang tính biểu tượng của chiếc cầu Trường Tiền huyền thoại. Làm cầu cho sông Hương, cho Huế do vậy không đơn giản là vững chắc, an toàn mà còn là cả một nghệ thuật làm đẹp. Và để rồi, đi đâu ở xứ Huế- Thừa Thiên cũng gặp cầu, nhiều kiểu dáng, nhiều sắc màu như một nét Huế khó phai.

Đan Duy