Quan sát thấy ít có nước nào lo cho con cái như người Việt Nam ta. Lúc nhỏ lo ăn lo học. Lớn lên lo công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng. Thêm nữa là lo cho cháu. Cũng có nhiều trường hợp lo cả cháu lẫn con ( vì lương không đủ sống). Vậy là ai cũng gắng dành dụm tích lũy. Đôi khi giật mình nhận ra cả đời chỉ lo và lo. Không dành cho mình được bao nhiêu. Có người bảo lo cho con cháu, dù cả đời, phải xem là được chứ không phải mất. Điều này không sai. Nhưng có một điều là các bậc cha mẹ ở Việt Nam ta mang một gánh nặng quá lớn. Ở nhiều nước phát triển, nhiều việc cho trẻ em được chính phủ chia sẻ. Khi nhỏ thì tạo điều kiện có một môi trường học tập tốt. Khi sinh viên được chính phủ cho vay để học và trả dần sau khi ra làm việc. Nếu vẽ một biểu đồ cho “sự lo” thì bố mẹ ở các nước phát triển lo khoảng 18- 20 năm thì bố mẹ là người Việt Nam đôi khi là 20 – 25 năm.

Lo cho con cháu đúng là lo cho thế hệ tương lai. Nghĩa là vẫn cứ là kỳ vọng những điều tốt đẹp. Phàm đã chú tâm vào việc nhỏ thì khó mà lo cho việc lớn.
 
So sánh là khập khiễng. Những cũng là ước vọng. Nước Nhật vào năm 1964, nghĩa là 19 năm sau thế chiến thứ 2 đã có Shinkansen – một loại tàu siêu tốc với hơn 300 km/ h, trong khi nước Pháp văn minh phải đợi đến 17 năm sau mới có một hệ thống tương tự, nhưng ở Nhật mật độ khai thác cao hơn nhiều, đến 6 chuyến tàu chạy trên cùng một giờ. Chưa đầy hai mươi năm sau đổ nát chiến tranh nước Nhật đã làm nên những điều kỳ diệu.
 
Việt nam ta hơn bốn mươi năm sau ngày đất nước hòa bình, nghĩa là đã hai thế hệ trưởng thành, vẫn cứ ngày ngày chở con đến trường, chở con đi học thêm như một sự kỳ vọng vào sự tốt đẹp cho thế hệ tương lai.
 

                                                           

Nguyên Lê