Ảnh: pixabay.com

Nghiên cứu về Bệnh tật Toàn cầu (GBD) công bố vào ngày thứ sáu trong tạp chí y khoa The Lancet phát hiện ra rằng, tuổi thọ con người đang tăng lên nhưng điều này cũng đồng nghĩa với số năm mà con người phải sống trong tình trạng sức khoẻ kém cũng tăng theo. Tỷ lệ người sống trong tình trạng bệnh tật ở các nước nghèo cao hơn so với những nước giàu.

 “Cái chết là một động cơ thúc đẩy mạnh mẽ cho cả các cá nhân và các quốc gia trong việc tìm ra nguyên nhân của các căn bệnh đã giết chết chúng ta ở mức cao. ‘Bộ ba rắc rối’ - bệnh béo phì, xung đột và bệnh tâm thần - đang nổi lên như một “rào cản bướng bỉnh và dai dẳng đối với lối sống năng động và tích cực”, Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) tại Đại học Washington, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu do IHME thực hiện với sự tham gia của hơn 2.500 nhà nghiên cứu ở 130 quốc gia đã chỉ ra rằng, trong năm 2016, chế độ ăn uống nghèo nàn có liên quan đến gần một phần năm số ca tử vong trên toàn thế giới. Hút thuốc lá giết chết 7,1 triệu người.

Chế độ ăn ít ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả, các loại đậu và hạt, dầu cá và muối cao là các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất, góp phần gây ra các trường hợp béo phì, huyết áp cao, lượng đường trong máu và cholesterol cao.

Nghiên cứu cũng cho thấy tử vong do vũ khí, xung đột và khủng bố đã tăng lên trên toàn cầu và các bệnh không lây nhiễm hoặc mãn tính như bệnh tim mạch và tiểu đường gây ra 72% số ca tử vong trên toàn thế giới.

Bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở hầu hết các khu vực và giết chết 9,48 triệu người trên toàn cầu vào năm 2016.

Bệnh tâm thần cũng là một báo động đỏ với 1,1 tỷ người đang sống với các rối loạn về tâm lý hoặc tâm thần và các vấn đề lạm dụng chất gây nghiện.

Trong khi đó, các rối loạn trầm cảm được xếp vào top 10 nguyên nhân gây ra bệnh tật ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngọc Hà (dịch từ Reuters)