Mới đây, nhân dịp Festival làng nghề truyền thống Huế 2013, tôi hay tin lại tiếp tục có thêm một dự án mới khôi phục nghề làm gốm Phước Tích. Lần này gắn liền với 4 chàng thợ trẻ Nguyễn Phước Tâm, Lương Thanh Hiền, Nguyễn Hoàng Sơn và Hà Vĩnh Phúc. Sau một thời gian tầm sư học đạo tận Hà Nội, cùng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, các anh đã quyết định đầu tư xây dựng lò nung ở Phước Tích. Bên cạnh sản phẩm gốm dân dụng, còn có các sản phẩm thuộc dòng gốm trang trí hướng đến nhu cầu phục vụ khách du lịch.

Cùng với làng gốm Phước Tích, nhiều làng nghề Thừa Thiên Huế cũng được cố gắng khôi phục như nghề đan đát Bao La, hoa giấy Thanh Tiên hay đúc đồng ở Phường Đúc. Khi mà những mặt hàng gia dụng truyền thống như giần, sàng, thúng, mủng…gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các mặt hàng gia dụng công nghiệp vừa rẻ lại đa dạng, các sản phẩm của đan đát Bao La đang chuyển sang hàng thủ công mỹ nghệ và du lịch. Sản phẩm đúc đồng Phường Đúc cũng hướng đến những mặt hàng lưu niệm, phục vụ khách du lịch. Có thể nói, tên gọi làng nghề đan đát thúng mủng Bao La chẳng hạn nay chỉ là “bình cũ”, là thương hiệu đã thấm sâu lòng người bao thế hệ. Còn lại, những sản phẩm của những làng nghề này đã là “rượu mới” với những thay đổi căn bản về mục tiêu hướng tới.  

Nhân chuyện về làng gốm Phước Tích và đan đát Bao La, lại nghĩ đến các làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế. Làng nghề vốn được xem là mô hình kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong xã hội phong kiến vốn gắn liền với nền kinh tế tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu. Rất nhiều làng nghề ở đất Thừa Thiên Huế trong tổng số 88 làng nghề thống kê ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của cuộc sống người dân, như làng rèn, làng gốm, làm làm hoa giấy… Mặt khác, là vùng đất thủ phủ- kinh đô, Thừa Thiên Huế còn có rất nhiều làng nghề ra đời là để phục vụ cho hoạt động và sinh hoạt của triều đình phong kiến. Sự phát triển sản xuất cũng như vị thế kinh đô không còn khiến cho nhiều làng nghề ở Huế chỉ còn danh mà không có thực.

Nhu cầu cuộc sống xã hội đã có những đổi thay căn bản thì việc bảo lưu những mặt hàng hay kỹ thuật chế tác xưa cũ là điều khó tồn tại. Thua lỗ và phá sản chỉ là vấn đề thời gian. Thế nhưng, khi mà gốm Phước Tích được làm theo công nghệ Bát Tràng xa lạ lại đặt ra những vấn đề mới đáng suy nghĩ. Đó là thứ “rượu mới” hoàn toàn. Nó cần phải có thêm một “chiếc bình mới” với tên gọi mới. Còn lại Phước Tích, hãy để lại đó với những hoài niệm đẹp của một thời đã qua gắn với hình ảnh ảnh cái om đất nhỏ đầy tự hào của làng gốm bên dòng sông Ô Lâu được sản xuất ra, tương truyền dùng để hàng ngày nấu cơm cho vua ở Đại Nội dùng.

Đình Nam