Người dân Quảng Thành phục hồi đất sau lũ
Lo hoa cho kịp tết
Là vùng thấp trũng, nằm ven sông Hương, xã Phú Mậu (Phú Vang) đều bị ngập sâu từ 0,5m đến hơn 1m. Hiện những cánh đồng hoa ở Phú Mậu đã khô cạn nước. Bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức khôi phục những cánh đồng bị hư hại.
Gia đình anh Dương Thắng ở thôn Vọng Trì trồng hơn 1 sào hoa chất lượng cao. Cũng như các hộ trồng hoa trong thôn, cánh đồng hoa một tháng tuổi của gia đình anh Thắng bị thiệt hại gần như hoàn toàn.
Để kịp thời có sản phẩm bán phục vụ ngày tết cổ truyền, gia đình anh Thắng xoay xở tìm cách mua giống, phân bón và khẩn trương khôi phục lại đồng hoa.
Ông Nguyễn Văn Trai, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết, sau khi nước lũ rút xuống mức thấp, UBND xã đã chỉ đạo các HTX và người dân tôn cao bờ bao, huy động máy bơm khẩn trương đưa nước ra hết trong đồng ruộng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại và thuận lợi trong việc khắc phục.
Các HTX đã tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục thiệt hại. Với những diện tích hoa có khả năng phục hồi thì tiến hành tưới rửa bùn đất, đồng thời triển khai các biện pháp chăm sóc, kích thích phát triển. Đối với những cánh đồng bị hư hỏng 70% trở lên thì tiến hành cày xới để gieo trồng lại. UBND xã cũng đã đăng ký mua giống hoa chất lượng ở Đà Lạt và Hà Nội để cung cấp cho người dân khôi phục.
Thống kê cho thấy xã Phú Mậu có hơn 14,5 ha hoa cúc, hoa chất lượng cao bị ngập trong nước gây hư hỏng khá nặng. Trong đó, gần 10 ha hoa phục vụ tết nguyên đán mới trồng chưa đầy một tháng đã bị ngập úng, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng, chưa kể công chăm sóc. Nhiều diện tích hoa trồng phục vụ việc cúng ngày mồng một, rằm tháng 10 (AL)... sắp đến kỳ thu hoạch bị hư hỏng ước thiệt hại gần tỷ đồng.
Nhiều địa phương trồng hoa của huyện Phú Vang như Phú Thượng, Phú Thanh... cũng bị thiệt hại khá nặng, ước tính có hơn 7.500 chậu hoa cúc, hoa chất lượng cao bị ngập. Những ngày này, người dân tích cực làm vệ sinh, chăm sóc các chậu hoa. Với những chậu bị nặng được người dân trồng mới, còn bị nhẹ có thể sinh trưởng, được phun xịt tẩy rửa bòn đất, bón phân để khôi phục.
Theo Phòng Kinh tế, thị xã Hương Thủy, trên địa bàn thị xã có khoảng 46.600 chậu hoa cúc bị ngập nặng. Với những chậu bị ngập vài ngày có thể “vớt vát” được phần nào, còn ngập từ 5 ngày trở lên đều bị hư hại hoàn toàn.
Người dân Phú Mậu khôi phục hoa sau lũ
Xử lý đất trồng rau
Ông Hồ Sách ở thôn Thành Trung, xã Quảng Thành, (Quảng Điền) cho hay: Mặc dù gia đình có sử dụng giàn lưới chống mưa nhưng mưa lũ vẫn làm gần 3 sào rau màu của gia đình hư hỏng hoàn toàn, mặt bằng sản xuất bị biến dạng nên gia đình phải cải tạo, khôi phục lại để kịp sản xuất. Mưa, lũ cũng khiến hệ thống màng lưới che xung quanh khu vực trồng rau rách nát, lưới che cũng hư hỏng hàng loạt; dự kiến đầu tháng 11 âm lịch mới có thể gieo giống trở lại. Khó khăn hơn là giống rau chất lượng trong dân đang khan hiếm, khiến việc tập trung cho vụ mới gặp không ít khó khăn.
Tại HTX Quảng Thọ 2, vựa rau má lớn nhất tỉnh cũng đang tập trung nhiều giải pháp khắc phục các diện tích rau hư hại.
Toàn HTX có 30 ha rau màu bị hư hỏng, HTX cùng các thôn và người dân tập trung khơi thông dòng chảy, tiêu nước triệt để trên mặt ruộng. Đồng thời, phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn bà con sử dụng phân hữu cơ kết hợp phun thuốc chống nấm bệnh, kích thích cây phát triển; thông báo cho xã viên chủ động thăm, đánh giá thiệt hại để mua giống trồng bổ sung, không để ruộng trống. HTX cũng đã chủ động liên hệ với các công ty giống cung ứng giống cấp trồng bù cho bà con.
Khu vực trồng rau tập trung Phước Yên, xã Quảng Thọ, một số điểm nước rút, người dân đang tiến hành tát trôi lượng bùn bám trên rau. Riêng những vùng không thể khắc phục người dân cũng đã tiến hành cày xới đất, mua giống rau má tại những vùng cao trong xã để trồng mới.
Các vựa rau của Phong Điền, Hương Trà… , người dân đang tranh thủ sản xuất ngay từ khi chân ruộng chưa thoát được nước bằng cách gieo trong bầu, vườn ươm. Khi nước rút tiến hành làm đất, lên luống cao và trồng ngay ra ruộng. Số khác tận dụng những chân ruộng đã thoát được nước, tranh thủ làm đất và gieo hạt sớm. Trong đó, những loại rau ngắn ngày như: tần ô, cải, mồng tơi… là lựa chọn hàng đầu của người dân bởi nhu cầu thị trường cao.
Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo, các vùng trồng rau ở những vùng cao nên thực hiện theo đúng khung lịch thời vụ. Với những vùng ngập sâu nên đợi rút nước, xử lý đất trước khi gieo giống nhằm hạn chế mầm bệnh phát sinh trong mưa lũ. Nên làm các màng che phủ khi trồng rau nhằm hạn chế sự tác động trực tiếp của khí hậu, thời tiết lên rau màu. Sử dụng giống có thương hiệu hạn chế những bệnh trên hoa màu. Bón cân đối các loại phân, ưu tiên các loại phân hữu cơ khác như phân xanh, các chế phẩm sinh học nhằm tăng cường khả năng chống chịu bệnh cho cây rau và tăng năng suất hơn, mức độ xanh tươi và thời gian rau xanh lâu ngày hơn.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, theo báo cáo từ các địa phương, đợt lũ kéo dài vừa qua làm nhiều làng hoa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, chủ yếu là hoa phục vụ tết cổ truyền. Toàn tỉnh ước khoảng 50 ha hoa và gần 100 ngàn chậu hoa bị ngập, thiệt hại nặng; 1.200 ha rau màu bị hư hỏng. Sở NN&PTNT đang đề xuất, kiến nghị cấp trên hỗ trợ về giống, phân bón cho người dân khôi phục thiệt hại. |
Triều-Loan