Một trong những giải pháp kích cầu từng được Tổng cục Du lịch Việt Nam và cả du lịch Huế khuyến khích là giảm giá: Giảm giá phòng ngủ, giảm giá dịch vụ, giảm giá suất ăn... Các gói giảm giá được khuyến khích công bố, như là một trong những phương cách để cạnh tranh, thu hút.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giảm giá để kích cầu du lịch không phải là kế thượng sách. Trước hết, nó ảnh hưởng đến tâm lý bất an của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Thứ nữa, với khách du lịch, điều họ quan tâm không hẳn là giảm giá, mà chính là chất lượng sản phẩm. 

Theo một doanh nghiệp, có rất nhiều cách để kích cầu du lịch mà không cần đến biện pháp giảm giá. Thay vì giảm giá, hãy làm tăng thêm giá trị gia tăng trong các gói dịch vụ. Chẳng hạn cũng chừng đó tiền nhưng sẽ khuyến mãi thêm thời gian lưu trú, khuyến mãi thêm buổi điểm tâm, khuyến mãi thêm dịch vụ giặt là miễn phí, tặng vé mát-xa, hỗ trợ phương tiện di chuyển trong thành phố, tặng quà lưu niệm, tăng điểm tham quan... Cùng với những hình thức khuyến mãi linh hoạt, là đầu tư xây dựng môi trường du lịch thân thiện, xác lập văn hóa trong kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới sản phẩm...

Một thực tế là vào những thời điểm khó khăn, để cạnh tranh, không ít doanh nghiệp du lịch Huế đã thi nhau hạ giá, từ phòng ngủ cho đến... cơm vua. Thậm chí có khách sạn 3-4 sao trong lúc làm ăn khó khăn đã vớt vát bằng những vé tắm bể bơi đại trà giá bèo cho người dân. Dĩ nhiên, đi đôi với hạ giá, luôn luôn là chất lượng sản phẩm đã bị giảm sút.

Đến đây, chợt nhớ, trong cuộc khủng hoảng trước thế chiến thứ hai, thế giới từng một phen chao đảo bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thời điểm ấy, các nhà đại tư sản phương Tây đã có một giải pháp. Đó là đổ sản phẩm xuống biển, thay vì hạ giá để bán rẻ, bán tháo trong tình hình ứ trệ sản xuất, ngưng đọng sản phẩm.

Kim Oanh