Công nhân ngành đường sắt tham gia ứng cứu vụ sạt lở đường ray đoạn qua đèo Hải Vân trong đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: Đ. Quang

Trong đợt mưa bão ngày 20 và 21/11, xảy ra sạt lở đoạn qua đèo Hải Vân khiến tàu hỏa không thể hoạt động. Điểm sạt lở thuộc sự quản lý của Công ty Quản Lý Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhận được thông tin, Công ty Công ty cổ phần đường sắt Bình Trị Thiên đã hỗ trợ 40 nhân công trực tiếp đến hiện trường tham gia ứng cứu. Khu vực này vô cùng hiểm trở, một bên sườn núi cheo leo, một bên giáp biển nên công tác khắc phục không thể tiến hành nhanh chóng.

Những đợt sạt lở gây ra cho ngành đường sắt thường khiến công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Tr. Hồng

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, đơn vị luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó nếu có sự cố xảy ra. Thường thì từ tháng 4, công ty đã có phương án ứng phó với bão lũ để báo cáo cấp trên. Các tiểu ban (được giao quản lý từ 8-10km đường sắt, luôn túc trực 24/24) dựa trên thông tin dự báo thời tiết, có phương án tăng cường tuần tra, kiểm tra các vị trí xung yếu như cầu cống nơi đường sắt đi qua. “Những đoạn nào có dấu hiệu xuống cấp được chúng tôi cho gia cố, sửa chữa từ trước mùa mưa. Trường hợp đến mùa mưa lũ, nếu xảy ra sự cố đột xuất các tiểu ban sẽ báo cáo ngay lập tức, các lực lượng tham gia ứng cứu sẽ có mặt kịp thời”, ông Thanh nói.

Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, hệ thống đường sắt qua tỉnh Thừa Thiên Huế với chiều dài hơn 100km cơ bản không gặp sự cố nặng nề nào. Chỉ có một vài điểm ngập nước, sụt lún như đoạn qua Phò Trạch, Văn Xá, Truồi, Thừa Lưu, Lăng Cô... Thế nhưng, nắm được thông báo xả nước từ thượng nguồn nên cán bộ ngành luôn sẵn sàng túc trực, chốt gác để đo vị trí nước, đảm bảo cho hoặc dừng tàu theo quy định của ngành. Những điểm sụt lún cũng được gia cố đá kịp thời. Ngành còn liên tục phối hợp với những đơn vị như chi nhánh khai thác, xí nghiệp vận tải để có phương án khi tình hình xấu xảy ra. “Thường nếu có sự cố, chúng tôi sẽ đề nghị hỗ trợ vận tải hành khách qua những đoạn đường sắt không thể hoạt động, di chuyển các phương tiện máy móc vào nơi trở ngại. Những việc này luôn nằm trong kịch bản ứng phó với mưa lũ hàng năm”, ông Thanh cho biết thêm.

P. Thành