Khi đối thoại, các bên tranh luận, chất vấn một cách bình đẳng, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, là nét đẹp văn hóa trong giao tiếp giữa cán bộ với người dân.

Bất cứ ai, nếu có ý thức muốn tiếp cận chân lý, không xa rời thực tế cuộc sống thì trong nếp sống và tác phong công tác không thể thiếu được sự đối thoại. Lĩnh vực nào cũng vậy, nếu cố tình áp đặt thông tin một chiều của mình cho người khác thì đâu có dễ dàng gì đạt được. Cái căn bệnh của một số ít cán bộ thường chỉ bảo cấp dưới của mình phải làm thế này, phải làm như thế kia còn khá phổ biến, là biểu hiện của tệ quan liêu, gia trưởng, đều xa lạ với yêu cầu mở rộng dân chủ. Đó là sản phẩm của tác phong chỉ biết độc thoại. Nếu cán bộ không tiếp nhận, không bàn bạc, không tranh luận những ý kiến của dân thì không thể gọi là dân chủ được. Chân thành đối thoại, biết lắng nghe lý lẽ của dân, tìm cho đúng sự thật, lẽ phải có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giao tiếp. Điều đó còn thể hiện nghệ thuật giao tiếp và nhân cách văn hóa của người đối thoại.

Lẩn tránh đối thoại với dân và ra lệnh áp đặt thì có vẻ dễ, còn đối thoại thì phải xử lý cho được các ý kiến trái ngược nhau. Trong thực tế, có khi đối thoại chỉ là hình thức, cán bộ không nghe, không thảo luận những ý kiến khác nhau của dân thì còn có ích gì.

Trong tác phong và phương pháp công tác hằng ngày, không thể coi nhẹ việc đối thoại một cách chân thành, thiết thực với thái độ thực sự cầu thị, cởi mở và tinh thần trách nhiệm cao nhằm đạt mục tiêu mong muốn. Đối thoại thẳng thắn với động cơ trong sáng sẽ làm cho quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với người dân trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết.

Cuộc đối thoại nào cũng phải được chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch cụ thể; những yếu tố thông tin, diễn đàn, cử tọa, xử lý thông tin sau đối thoại… phải được xem là một quy trình thống nhất và hoàn chỉnh, không thể thiếu một công đoạn nào.

Tổ chức công khai các cuộc đối thoại, có đông đảo người tham dự, không nên hạn chế chỉ những người có chức vụ hay những người liên quan đến sự việc được nêu ra. Kinh nghiệm cho thấy, khi cuộc đối thoại với dân có sự xuất hiện của người đứng đầu của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, các địa phương thì hiệu quả cuộc đối thoại cao hơn nhiều.

Các thành viên trong cuộc đối thoại phải thật sự bình đẳng, không cho phép bất cứ ai được sử dụng quyền hành của mình để gây ảnh hưởng hoặc để áp đảo ý kiến của người dân.

Người chủ trì cuộc đối thoại có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực; gợi ý, hướng người đối thoại vào những vấn đề thiết yếu nhất, nêu rõ những kết luận cần đạt đến của cuộc đối thoại. Diễn đàn đối thoại phải phù hợp với tính chất, yêu cầu nội dung của đối thoại.

Toàn bộ các ý kiến phát biểu trong cuộc đối thoại đều phải được thư ký ghi chép trung thực và đầy đủ vào biên bản. Thư ký cuộc đối thoại phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của những điều đã ghi chép. Sau cuộc đối thoại, biên bản phải gửi cho cơ quan cấp trên có thẩm quyền để nghiên cứu, giải quyết.

Thời gian gần đây, ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Đà Nẵng và Quảng Ngãi, việc các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực tiếp đối thoại với nhân dân, “bước đầu đã góp phần khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, với những biểu hiện quan liêu, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân như Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã chỉ ra. Lợi ích của trực tiếp đối thoại có thể khái quát lại trong bốn “cái được” ở Quảng Ngãi, đó là: được việc, được dân, được cán bộ, được tổ chức” (1). Ở tỉnh Thừa Thiên Huế những cuộc đối thoại với nhân dân diễn ra chưa nhiều. Thường là những cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND hoặc các cuộc tiếp dân ở Phòng tiếp dân của tỉnh.

Tiếp xúc cử tri, thường đại biểu lắng nghe là chủ yếu, đôi lời giải thích chưa mang tính đối thoại. Trong lúc đời sống của người dân đang cần có những cuộc đối thoại. Khó khăn trăm bề của người dân về chuyện ăn, ở, sinh hoạt khi phải sống nhiều năm trong vùng quy hoạch là một nhức nhối. Có vùng đất quy hoạch treo đã 5 năm, 10 năm và có thể kéo dài nhiều năm nữa. Ăn ở, tách hộ ngổn ngang trăm bề! Nhân dân đang rất mong có cuộc đối thoại với cán bộ lãnh đạo có quyền lực ngõ hầu giải quyết rốt ráo những băn khoăn trong cuộc sống hiện tại.

Đối thoại sẽ là cơ hội để quần chúng cảm nhận được vai trò của mình mà phát huy tính tích cực xã hội ngày càng cao hơn; tinh thần làm chủ của quần chúng được phát động mạnh mẽ. Đối thoại quả là một hình thức quần chúng đấu tranh để thực hiện nền nếp phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Công tác đối thoại với dân, nếu được tổ chức thực hiện tốt, sẽ là chiếc cầu nối giữa tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân.


 (1) Báo Nhân Dân, số 20870, ngày 1/11/2012.

 

Chiến Hữu-Văn Chính