Du khách tham quan Đại Nội Huế

Chưa tương xứng

Áp dụng công nghệ số để tăng cường khả năng quảng bá đang được áp dụng và dần chi phối sự phát triển của du lịch nhiều nơi. 4.0 đang góp phần giảm khoảng cách giữa du khách và điểm đến thông qua vài phút sử dụng thiết bị điện tử, những click chuột, hay lướt điện thoại.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh, chuyên gia hàng đầu về Digital Marketing (marketing trực tuyến) phân tích: Huế có 3 điểm tốt quyết định sức cạnh tranh trong việc thu hút khách so với hơn các điểm xung quanh: môi trường thiên nhiên xanh và sạch, giá trị văn hóa và giá cả rẻ. Hai yếu tố đầu tiên sẽ giúp Huế thu hút khách hơn khi phát huy tốt, còn yếu tố giá rẻ tất nhiên sẽ thu hút khách nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển bởi nguồn thu từ du lịch là quá thấp. Chỉ cần so sánh đơn giản như giá phòng của Khách sạn Êmm (Khách sạn Festival cũ), nếu di chuyển vào phía nam khoảng 200km thì giá phòng sẽ gấp đôi, di chuyển ra phía bắc khoảng 600km thì giá phòng sẽ gấp 4 lần. Giá cả là yếu tố mà Huế cần tập trung khắc phục.

Du lịch làm vườn là một trong những sản phẩm mới có thế mạnh của Huế

“Giải pháp quan trọng đầu tiên là định vị đúng vị thế của Huế, điểm mạnh của Huế hiện tại và trong tương lai là những gì. Trên các cơ sở đó, xây dựng những sản phẩm, tạo ra trải nghiệm khác biệt. Khi điểm đến có sức hút tốt sẽ có nhiều khách đến và mục tiêu tăng chi tiêu sẽ dễ thực hiện. Giá cả cao giúp tăng năng suất lao động, thu nhập của người dân sẽ nâng lên, đóng góp vào ngân sách sẽ cao. Xét về mặt kinh tế, đó mới là mục tiêu cao nhất trong phát triển du lịch”, ông Kiên nhận định.

Bà Lê Thị Thanh Vân, Giám đốc Điều hành Traveloka Việt Nam chia sẻ, qua phối hợp cùng với du lịch Huế, từ những phản hồi của khách hàng với Huế và độ quan tâm thì Huế thuộc vào tốp 10 của cả nước. Huế đẹp và yên bình, nhưng cơ sở vật chất chưa được tốt. Đó là điều mà ngành du lịch Huế cần nghiên cứu trong thời gian đến.

Hiện nay, có 4 sản phẩm mà Huế đang quảng bá và tập trung phát triển: nhóm sản văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch dịch vụ. Theo ông Trần Trọng Kiên, Huế có muốn tập trung khai thác cả 4 nhóm đó không là điều cần cân nhắc. Chọn một, hai lợi thế để phát huy, tránh dàn trải.

Tăng cường quảng bá bằng công nghệ số

Ông Trần Trọng Kiên phân tích, Huế là điểm đến tốt, nhưng đẹp và tốt đến mấy mà không quảng bá đúng thị trường thì lượng khách đến cũng không tương xứng. Dù thế, kinh phí để quảng bá và tính hiệu quả luôn được đặt ra. Khi vấn đề nguồn lực hạn chế, cần giảm chi phí thì không biết sẽ cắt giảm hình thức quảng bá nào vì không có những con số định lượng chính xác.

Trong quảng bá, hình thức tốt nhất là làm tốt các dịch vụ của điểm đến. Khi khách đến với Huế sẽ có trải nghiệm thú vị, hơn 3,5 triệu lượt khách đến Huế trong năm 2017 cùng chia sẻ cảm xúc đó, nói tốt về Huế thì vô cùng hiệu quả.

Bên cạnh, Digital Marketing là giải pháp ít tốn kém nhất so với những hình thức quảng bá truyền thống mà lại hiệu quả cao và lâu dài, phù hợp với sự phát triển của du lịch hiện đại. Tập trung vào marketing số, đảm bảo cần ít nguồn lực và điều quan trọng hơn khi sử dụng hình thức này sẽ có sự phản hồi, giúp Huế có điều chỉnh phù hợp trong quá trình phát triển.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho hay, hiện nay với hơn 10.000 phòng của các cơ sở lưu trú và gần 90 đơn vị lữ hành trong toàn tỉnh, hầu hết các khách sạn đều đã có website và tích cực quảng bá trên mạng xã hội. Ngoài ra, một số đơn vị đã thuê công ty tư vấn riêng để hoạch định chiến lược cũng như triển khai marketing trên mạng. Sở đang xây dựng trang website đa ngôn ngữ để phục vụ công tác quảng bá du lịch trong thời gian tới. Sở Du lịch cũng đã xây dựng kênh thông tin trên mạng xã hội để cung cấp thông tin về quản lý ngành, cũng như quảng bá về văn hóa, ẩm thực con người Huế.

Bài, ảnh: Đức Quang