Cách đây gần 20 năm, lũ trẻ lớn lên ở quê ngày ấy làm gì đã biết đến bim bim, chip chip và bao thứ đồ ăn vặt khác như bây giờ. Khi tôi học cấp 2, bỏng gạo là một thức quà thân thuộc với chị em tôi. Nguyên liệu làm  bỏng gạo chẳng hề đắt đỏ, chỉ cần có gạo và đường là đã có bỏng thơm giòn để thưởng thức. Nhưng, để có những ống bỏng gạo ngon với nhiều mùi vị hấp dẫn thì phải “sang chảnh” hơn, chị em tôi lén “nhặt nhạnh” thêm ít bắp, đậu phụng, đậu xanh, mì tôm trong gian bếp của mẹ. Tất cả vị đồng quê trộn lẫn thành một thứ quà ngon ngọt, giản dị như chính tên gọi của nó - bỏng gạo.

Thời buổi còn khó khăn, món quà quê đơn giản ấy là phần thưởng mẹ cho mỗi khi chúng tôi đạt điểm 10, là nỗi háo hức, mong chờ của chị em tôi. Xưa cả làng chỉ có một nhà làm xay xát gạo và kiêm luôn nổ bỏng. Mỗi chiều cuối tuần, chúng tôi đứa góp gạo, đứa góp đường, góp ít mì tôm rồi háo hức chạy về nhà xay xát gạo trong làng, thấp thỏm xếp hàng chờ bỏng gạo ra lò. Hồi ấy, trong mắt lũ trẻ chúng tôi, chiếc máy nổ bỏng gạo như là một cỗ máy thần kỳ. Qua tay trộn của cô hàng xay xát, qua tiếng kêu ro ro của máy nổ bỏng, những cái bỏng gạo cứ dài dần ra rồi được cắt vào cái mẹt để sẵn ở dưới đất trong con mắt mong đợi, thèm thuồng của lũ trẻ. Nhận được bao bỏng gạo, đám trẻ chúng tôi mừng rỡ chạy qua phía con đê bờ làng, chia nhau thưởng thức.

Nhớ những chiều đến trường, tôi gói ghém cẩn thận một ít bỏng gạo mang đến lớp. Mùi thơm phảng phất, bị cô giáo phát hiện mang quà vặt đến lớp, tôi bị phạt đứng trước bục giảng. Sợ nhỏ bạn cùng xóm về mách lại ba mẹ thì ăn đòn nên tôi cứ lẽo đẽo năn nỉ và quyết định “hối lộ” nó nửa túi bỏng. Nhớ lắm những giờ ra chơi, tôi tụm năm tụm bảy cùng lũ bạn vừa chơi lò cò, nhảy dây vừa san sẻ những miếng bỏng thơm giòn.

Đêm mùa đông, cái lạnh len lỏi vào tận da thịt. Sau bữa tối, bên chái bếp thấp tè của mẹ, chị em tôi lại mang thức quà quê vừa thổi hồi chiều ra thưởng thức. Trong cái lạnh se se trên đầu môi, cắn miếng bỏng gạo giòn rụm thơm tan trong miệng, uống thêm ngụm nước chè nóng răng mà ngon chi lạ. Theo ngọn gió miên man, hương chè xanh, vị hạt bỏng cứ thế thoang thoảng trong vị giác, khứu giác, để rồi chúng tôi nhớ mãi đến tận bây giờ.

Chiều nay tan tầm ngang phố, chắc chắn tôi sẽ dừng lại mua một túi bỏng gạo, để đem về cuộn mình trong chăn ấm, nghe mưa rả rích, nghe ký ức mênh mang, để nhớ những chiếc bỏng gạo giòn tan như tiếng cười của lũ trẻ chúng tôi ngày ấy.

Nguyệt Tú