ClockThứ Năm, 21/12/2017 10:32

Bùi bùi bỏng gạo tuổi thơ

TTH - Chiều mùa đông giá rét, vào giờ tan tầm, thi thoảng tôi bắt gặp gánh bỏng của cô hàng xén từ quê lên, có đủ bỏng gạo, bỏng ngô, đậu tương rang, lạc rang... Những gói bỏng gạo đúc thành ống tròn trịa, đẹp mắt, gói trong túi nilon như níu chân tôi. Dừng chân bên gánh hàng của chị, cầm gói bỏng trên tay, một miền ký ức tuổi thơ gắn bó với bỏng ngô, bỏng gạo ùa về.

Êm đềm tuổi thơ

Cách đây gần 20 năm, lũ trẻ lớn lên ở quê ngày ấy làm gì đã biết đến bim bim, chip chip và bao thứ đồ ăn vặt khác như bây giờ. Khi tôi học cấp 2, bỏng gạo là một thức quà thân thuộc với chị em tôi. Nguyên liệu làm  bỏng gạo chẳng hề đắt đỏ, chỉ cần có gạo và đường là đã có bỏng thơm giòn để thưởng thức. Nhưng, để có những ống bỏng gạo ngon với nhiều mùi vị hấp dẫn thì phải “sang chảnh” hơn, chị em tôi lén “nhặt nhạnh” thêm ít bắp, đậu phụng, đậu xanh, mì tôm trong gian bếp của mẹ. Tất cả vị đồng quê trộn lẫn thành một thứ quà ngon ngọt, giản dị như chính tên gọi của nó - bỏng gạo.

Thời buổi còn khó khăn, món quà quê đơn giản ấy là phần thưởng mẹ cho mỗi khi chúng tôi đạt điểm 10, là nỗi háo hức, mong chờ của chị em tôi. Xưa cả làng chỉ có một nhà làm xay xát gạo và kiêm luôn nổ bỏng. Mỗi chiều cuối tuần, chúng tôi đứa góp gạo, đứa góp đường, góp ít mì tôm rồi háo hức chạy về nhà xay xát gạo trong làng, thấp thỏm xếp hàng chờ bỏng gạo ra lò. Hồi ấy, trong mắt lũ trẻ chúng tôi, chiếc máy nổ bỏng gạo như là một cỗ máy thần kỳ. Qua tay trộn của cô hàng xay xát, qua tiếng kêu ro ro của máy nổ bỏng, những cái bỏng gạo cứ dài dần ra rồi được cắt vào cái mẹt để sẵn ở dưới đất trong con mắt mong đợi, thèm thuồng của lũ trẻ. Nhận được bao bỏng gạo, đám trẻ chúng tôi mừng rỡ chạy qua phía con đê bờ làng, chia nhau thưởng thức.

Nhớ những chiều đến trường, tôi gói ghém cẩn thận một ít bỏng gạo mang đến lớp. Mùi thơm phảng phất, bị cô giáo phát hiện mang quà vặt đến lớp, tôi bị phạt đứng trước bục giảng. Sợ nhỏ bạn cùng xóm về mách lại ba mẹ thì ăn đòn nên tôi cứ lẽo đẽo năn nỉ và quyết định “hối lộ” nó nửa túi bỏng. Nhớ lắm những giờ ra chơi, tôi tụm năm tụm bảy cùng lũ bạn vừa chơi lò cò, nhảy dây vừa san sẻ những miếng bỏng thơm giòn.

Đêm mùa đông, cái lạnh len lỏi vào tận da thịt. Sau bữa tối, bên chái bếp thấp tè của mẹ, chị em tôi lại mang thức quà quê vừa thổi hồi chiều ra thưởng thức. Trong cái lạnh se se trên đầu môi, cắn miếng bỏng gạo giòn rụm thơm tan trong miệng, uống thêm ngụm nước chè nóng răng mà ngon chi lạ. Theo ngọn gió miên man, hương chè xanh, vị hạt bỏng cứ thế thoang thoảng trong vị giác, khứu giác, để rồi chúng tôi nhớ mãi đến tận bây giờ.

Chiều nay tan tầm ngang phố, chắc chắn tôi sẽ dừng lại mua một túi bỏng gạo, để đem về cuộn mình trong chăn ấm, nghe mưa rả rích, nghe ký ức mênh mang, để nhớ những chiếc bỏng gạo giòn tan như tiếng cười của lũ trẻ chúng tôi ngày ấy.

Nguyệt Tú

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

Ngày 18/11, tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc (A Lưới), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 9 năm 2024, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc
Tắm sông

“Mùa hè mà nhảy bùm xuống sông, vẫy vùng, bơi lội thì còn chi bằng!” - Tôi nhận được câu trả lời của bạn sau khi chuyển cho bạn xem những bức ảnh chụp cảnh buổi sáng chúng tôi bơi trên sông Hương, đoạn phía dưới chùa Thiên Mụ.

Tắm sông
Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ

Hồi tôi còn bé, bánh kẹo không được phong phú như bây giờ, chỉ có các loại kẹo truyền thống quê hương, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo gương, kẹo đậu phộng, kẹo trứng chim, kẹo kéo… Ngày đó, mệ tôi đi chợ về thường mang theo một gói kẹo cau nhỏ nhắn với chiếc nhãn đơn sơ in hình phong cảnh Huế.

Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ
Sương trong lòng phố cổ

Mùa sương rồi cũng phiêu du lạc đến xứ sở này như một nàng thơ ghé thăm vào mỗi buổi bình minh mờ mắt với gam màu xam xám. Huế bỗng dưng trở nên lạ lẫm trong một cảm giác mới mẻ, choáng ngợp vì sương.

Sương trong lòng phố cổ
Phố ngày nắng đông

Suốt mấy tuần phố chìm trong màu xám của lớp mây dày và mưa rét như không biết bao giờ mới ngưng. Gió từ phía sông và hơi nước làm buốt cả mắt mũi. Chiều tối qua thấy mặt nóng bừng như phải gió, thầm nghĩ biết đâu ngày mai sẽ tạnh!

Phố ngày nắng đông
Return to top