Đặt vấn đề củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng để mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng thấy rằng trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, bên cạnh những thuận lợi cơ bản đã xuất hiện những khó khăn, thách thức mới. Thách thức mới từ nội tại mà Đảng ta chỉ rõ là những mặt trái, mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường, của bối cảnh hội nhập quốc tế đã và đang tác động hằng ngày, hằng giờ đến đời sống, tư tưởng, tình cảm của nhân dân. Đáng chú ý là những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống... của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm tổn thương đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Thực trạng đáng báo động làm giảm niềm tin trong nhân dân là tình trạng cán bộ quan liêu, xa dân, sách nhiễu nhân dân trong nhiều mối quan hệ hành chính, đời sống thường nhật. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành TƯ khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có tính quyết định trong công tác dân vận.

Nghị quyết chỉ rõ, cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động nhân dân. Xây dựng và thực hiện phong cách: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”; thường xuyên đi công tác cơ sở. Các cơ quan Nhà nước, nhất là những ngành, cơ quan, đơn vị có quan hệ trực tiếp với nhân dân cần công khai các quy định cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để nhân dân biết và giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

Khi học tập, quán triệt Nghị quyết TƯ 7 khóa XI, nhiều cán bộ tâm đắc trao đổi với chúng tôi rằng, chỉ cần làm tốt, thực hiện nghiêm những nội dung nêu trên, chắc chắn sẽ tạo được niềm tin nếu không nói là lấy lại niềm tin trong nhân dân. Vì sao nói là lấy lại niềm tin? Bởi nhìn thẳng vào sự thật, do một bộ phận không nhỏ cán bộ quan liêu, tham nhũng, xa dân, thậm chí sách nhiễu nhân dân đã làm mất niềm tin trong nhân dân. Nay công tác sửa sai và sửa sai tốt thì nhân dân sẽ dễ dàng ghi nhận. Nói như vậy có nghĩa là đã đến lúc cần chấn chỉnh phong cách làm việc, thái độ quan hệ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... trong các cơ quan, đơn vị. Phải có phong cách làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thái độ văn hóa, gần gũi với nhân dân. Làm được và làm tốt điều này thì công tác dân vận có thêm thuận lợi khi vận động nhân dân tham gia bất kỳ phong trào, công việc gì có lợi ích chung.

Niềm tin vào cán bộ, đảng viên là nhân tố có tính quyết định để nhân dân tham gia, hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong nhiều mối quan hệ hành chính, đời sống khi đến các cơ quan Nhà nước, ra về người dân tỏ ý hài lòng, cảm phục phong cách thái độ làm việc của cán bộ, công chức là dấu hiệu tốt về niềm tin trong nhân dân.

Một hình ảnh nhỏ để minh chứng cho vấn đề lớn. Ở chi bộ Đảng nơi tôi cư trú có đồng chí bí thư chi bộ rất gần dân. Không có hộ gia đình nào trong khối phố mà đồng chí bí thư không biết. Thậm chí biết rõ hoàn cảnh kinh tế, đời sống, thuận lợi, khó khăn của từng gia đình. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí ấy làm bí thư chi bộ khu phố hơn 16 năm. 16 năm gần gũi với nhân dân, tạo điều kiện cho nhiều gia đình vượt qua khó khăn trong đời sống, vận động giúp nhiều hoàn cảnh trái ngang, đồng chí bí thư khối phố đã để lại một niềm tin sâu sắc trong nhân dân tổ dân phố. Cho nên điều gì đồng chí bí thư đề xuất đều được đông đảo cán bộ hưu trí, đương chức và nhân dân trong tổ đồng tình hưởng ứng. Công tác dân vận ở tổ dân phố chúng tôi xem ra là việc làm thuận lợi, trước các chủ trương, chính sách của Đảng nhân dân chấp hành rất nghiêm túc.

Đảng lãnh đạo xã hội thông qua cán bộ và Nhà nước. Do vậy cần thực hiện tốt việc cải cách và hoàn thiện các cơ quan Nhà nước. Sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong tình hình hiện nay cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy trình, quy chế cho phù hợp với thực tiễn mà xã hội đang đòi hỏi. Cải cách thủ tục hành chính, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị phải thực sự là công bộc của nhân dân. Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, của các tổ chức Đảng có thẩm quyền và sự giám sát của quần chúng nhân dân.

Riêng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải đổi mới phương thức và nội dung hoạt động. Kiện toàn và nâng cao năng lực dân vận của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ làm công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị. Trên thực tế cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền giáo dục nhằm tác động tích cực về nhận thức tư tưởng, nâng cao niềm tin của nhân dân vào mục tiêu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Điều quan trọng là thực hiện công khai và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội. Trong thực tiễn cuộc sống, mô hình tự quản là mô hình cần nhân rộng để phát huy tính tích cực của nhân dân nhằm xã hội hóa trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội.

Công tác dân vận trong tình hình hiện nay là công việc hết sức khó khăn. Phải có sự chuyển biến tích cực, đồng bộ từ công tác cán bộ, từ các chính sách liên quan đến đời sống của người dân, từ trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị với mục tiêu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân... Đây là điều kiện để thực hiện thành công công tác dân vận trong tình hình mới.

Chiến Hữu - Văn Thành