Bà Tôn Nữ Thị Hiền, Điều phối viên Tổ chức Courage. Ảnh: Hữu Phúc

Bà Hiền cho biết, riêng năm 2017, Courage hỗ trợ cho 70 chị em ở hai xã Hương Chữ, Hương Bình (thị xã Hương Trà), trong đó có 30 người được hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn và 40 người được hỗ trợ nước sạch với kinh phí 1,1 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã mang lại nguồn động viên tinh thần rất lớn, đồng thời là động lực giúp nhiều PNĐT cải thiện cuộc sống - mục tiêu mà Courage hướng đến trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

* Lý do nào đã đưa bà đến với Courage?

Trước đây, nhờ khả năng ngoại ngữ nên mình được mời vào làm việc cho dự án tháo gỡ bom mìn của Tổ chức Saudi (Cộng hoà Liên bang Đức). Đến cuối năm 2005, ông Gerd Willkommen (người Đức) làm cố vấn trưởng đến tuổi nghỉ hưu nên mình cũng nghỉ làm tại dự án này. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, qua tiếp xúc với nhiều PNĐT có cuộc sống vất vả, nghèo khó sau chiến tranh nên khi trở về nước, ông Gerd Willkommen đã tổ chức những cuộc vận động, tìm cách quyên góp và thành lập ra “Tổ chức giúp đỡ trẻ em mồ côi và PNĐT” tại Việt Nam - Courage. Sau khi quỹ này được thành lập, ông Gerd Willkommen đã mời tôi làm đại diện cho Tổ chức Courage tại Việt Nam và đặt trụ sở tại Huế. 

* Tại những địa phương nhận được sự hỗ trợ của dự án, nhiều PNĐT ở đây xem bà như một người bạn và họ rất thoải mái khi trò chuyện cùng bà?

Đơn giản vì mình cũng là PNĐT nên hơn ai hết, mình hiểu nỗi khổ, sự tự ti, mặc cảm mà các chị luôn đối mặt trước cuộc sống hằng ngày. Phụ nữ luôn cần bờ vai của người đàn ông để sẻ chia gánh nặng, san sẻ nỗi khó nhọc hằng ngày và gánh vác việc chăm sóc con cái. Vậy mà, PNĐT thì ngược lại, ngoài khó khăn về vật chất, nhiều chị còn đối mặt với những lời thị phi, mặc cảm khi làm mẹ đơn thân và một mình nuôi con khôn lớn.  

Bà Hiền đang tập huấn kỹ năng chăn nuôi lợn cho phụ nữ đơn thân

* Vậy mục tiêu của dự án là gì, bà có thể nói rõ hơn?

Mục tiêu dự án là hỗ trợ PNĐT tại các xã nghèo, xã vùng núi còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh bằng cách hỗ trợ tiền xây dựng chuồng trại, heo giống để phát triển chăn nuôi. Nếu hộ nào không có đất xây dựng chuồng thì dự án sẽ chuyển sang hỗ trợ kinh phí trang bị máy móc, dụng cụ để phát triển kinh tế, như xe hương, chằm nón, may áo quần, song chủ yếu vẫn ưu tiên chăn nuôi heo vì đây là nghề có thể giúp các chị nhanh chóng thoát nghèo và làm giàu bền vững.

Các chị được hỗ trợ mỗi năm từ 13-18 triệu đồng, bao gồm kinh phí xây dựng chuồng 3 khoang, 3 con heo giống và tiền mua thức ăn trong 3 tháng đầu. Dự án còn tổ chức các khóa tập huấn, trang bị kỹ năng về chăn nuôi; tổ chức các lớp đào tạo nghề để trang bị cho các chị những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi và phát triển nghề truyền thống. Đến thời điểm này, có khoảng 600 PNĐT tại các địa phương như Hương Thọ, Hương Hồ, Bình Thành, Hương Toàn, Hương Văn, Hương Chữ, Hương Bình (thị xã Hương Trà), Phong Chương (Phong Điền), Quảng Thái (Quảng Điền), Lộc Thủy (Phú Lộc) và Thủy Biều (TP. Huế)… được thụ hưởng nguồn hỗ trợ của dự án.

* Theo như liệt kê ở trên, Hương Trà là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án?

Qua khảo sát, Hương Trà là địa phương có số PNĐT khá đông và đa số các chị sau khi tiếp nhận vốn đã phát huy hiệu quả. Nhiều chị đã giúp đỡ nhau vượt khó và thành lập câu lạc bộ PNĐT để chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi và cùng nhau vượt khó.

Courage là tổ chức Phi Chính phủ của Đức hoạt động trên địa bàn tỉnh từ năm 2006. Tổ chức này đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ PNĐT như mô hình chăn nuôi lợn, cung cấp nước sạch, cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó và tặng quà cho các mẹ già neo đơn nghèo tại một số địa phương khó khăn trên địa bàn.

Trước mỗi lần quyết định lựa chọn địa điểm để hỗ trợ vốn cho các PNĐT phát triển kinh tế, chúng tôi trực tiếp đến các địa phương, cùng với cán bộ hội phụ nữ các xã, phường để khảo sát và lựa chọn. Có được số tiền mỗi năm trên 1 tỷ đồng hỗ trợ cho các PNĐT, bản thân tôi và những người cộng sự khá vất vả. Chúng tôi phải đầu tư công sức để viết sách, tổ chức sự kiện và mang những sản phẩm này sang Đức thuyết phục những người có thu nhập cao ủng hộ tiền để dự án có thể duy trì và phát triển.

Để kêu gọi thêm nguồn tài trợ, năm 2017, ông Gerd Willkommen và tôi đã đầu tư thực hiện cuốn sách có tựa đề “Tình yêu đi qua dạ dày”, trong đó hướng dẫn cách chế biến các món ăn Huế như bún bò, phở bò, các loại bánh Huế và một số món ăn nổi tiếng Việt Nam, sau đó xuất bản và mang sang Đức giới thiệu; đồng thời tổ chức các gian hàng chế biến và bán thức ăn ngay tại Đức để tạo thêm nguồn thu cho quỹ. Cuốn sách nhanh chóng được nhiều chị em phụ nữ Đức đón nhận và thu được một khoảng tiền lớn bổ sung vào dự án để tiếp tục hỗ trợ PNĐT.

* Kế hoạch năm 2018 của dự án là gì?

Năm 2018, dự án tiếp tục duy trì việc hỗ trợ và dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển chăn nuôi và xây hầm biogas để bảo vệ môi trường cho 20 hộ gia đình ở xã Điền Hải và Phong Chương (Phong Điền). Động lực giúp chúng tôi tiếp tục triển khai dự án đó là những PNĐT sau khi nhận sự hỗ trợ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững, nhiều chị đã trích một phần lãi để hỗ trợ cho các hộ nghèo cùng thôn, cùng xã và tích cực tham gia vào câu lạc bộ PNĐT nhằm chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, hướng dẫn các chị em khác cùng nhau vượt khó.

* Cám ơn bà về cuộc trò chuyện!

THANH HƯƠNG (Thực hiện)