Kinh doanh trên sông Hương, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải và thu gom rác thải được Công ty CP Du lịch Huế chú trọng đầu tư

Không chỉ kinh doanh ở vị trí đặc thù, nhạy cảm giữa dòng sông Hương qua trung tâm TP. Huế, việc chấp hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ năm 2012, Công ty CP Du lịch Huế đầu tư gần 2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tại nhà hàng này.

Bình quân lượng nước tiêu thụ của Nhà hàng nổi sông Hương khoảng 10m3/ngày. Ước tính lượng nước xả thải khoảng 5m3/ngày. Theo thiết kế lắp đặt hệ thống, nước thải phát sinh từ các hoạt động của nhà hàng được thu gom, xử lý sơ bộ trước khi đưa vào hệ thống xử lý tập trung. Trong đó, nước thải sinh hoạt được đưa qua song chắn rác, bể lắng cặn để xử lý sơ bộ. Nước thải nhà bếp được đưa qua song chắn rác, bể tách dầu mỡ và lắng cặn để xử lý sơ bộ. Nước thải từ nhà vệ sinh được xử lý bằng các bể tự hoại. Tất cả sau khi được lắng lọc cặn, chất bẩn, mỡ thì được đưa vào hệ thống xử lý nước thải tập trung gồm bể thu gom với thể tích 5,625m3, 2 bể xử lý cấp I và II với thể tích 3,75m3/bể, bể lọc có thể tích 3,75m3 để xử lý nước thải phát sinh từ các hoạt động của nhà hàng.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Huế cho hay, quá trình vận hành công trình trong 5 năm qua không tốn kém nhiều. Đơn vị chỉ tốn chi phí quan trắc định kỳ, thuê công ty chuyên xử lý thu gom rác thải nguy hại và bảo trì, kiểm tra hệ thống xử lý. Còn lại, với phương pháp xử lý được áp dụng, hằng quý đơn vị thuê 2 chuyến xe chuyên dụng hút cặn bẩn được lắng lọc tại các bể thu gom khoảng 20m3. Do đó, nước thải ra môi trường qua kiểm tra, quan trắc định kỳ hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Ngoài đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại Nhà hàng nổi sông Hương, công ty cũng đã đầu tư hệ thống tương tự tại Nhà hàng Nam Châu Hội quán- một trong bốn đơn vị trực thuộc của công ty. Tại cơ sở này, lượng nước tiêu thụ mỗi ngày gấp 1,5 lần so với Nhà hàng nổi sông Hương, nên việc thu gom, xử lý kể cả nước thải, rác thải nguy hại, rác thải thông thường luôn được công ty chú trọng đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, những năm gần đây, đa phần các khách sạn, nhà hàng lớn đều đã quan tâm đầu tư và có xử lý nước thải, chất thải. Nhưng để đánh giá xem các cơ sở đã xử lý đạt yêu cầu hay không thì phía cơ quan chức năng chưa thể “quán xuyến” hết công việc này. Nhất là trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ yếu tập trung quan trắc các sự cố môi trường, những vấn đề nóng mà Nhân dân phản ánh. Riêng trong năm 2016, qua kiểm tra 36 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú trên địa bàn, 100% cơ sở có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Tuy nhiên, chỉ có 11/36 cơ sở được đầu tư xây dựng hệ thống có công nghệ phù hợp để xử lý.

Hiện nay, vấn đề môi trường không chỉ được các cơ quan chức năng quan tâm mà ngay cả thực khách, khách du lịch cũng rất chú ý đến. Chính những người làm trong ngành du lịch cũng bày tỏ quan điểm, việc gìn giữ tốt môi trường trong sạch không chỉ tạo hình ảnh đẹp cho đơn vị mà còn đem lại ấn tượng, thu hút  khách. Do đó, không lý do gì mà các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn lại không chú trọng đến vấn đề môi trường như đầu tư hệ thống thoát, xử lý nước thải, bố trí các điểm xả thải, bảo quản chất thải đúng quy định.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên