Vừa ghé đến ngõ nhà mẹ Võ Thị Quên đã nhác thấy rất đông người bên trong. Thấy xe chúng tôi đỗ trước nhà, biết có khách, một thanh niên trông dáng công chức đi ra sân đón:

Mẹ Quên xúc động nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ phai trong những năm tháng gian nan chống Mỹ với những "liệt sỹ" K8 bộ đội chủ lực được mẹ nuôi giấu dưới hầm bí mật

- Chào các bác, các anh…ôi, ôi… cậu Thuận, cậu Thuận về thăm mạ ơi!

Mẹ Quên ngồi tựa cửa trên chiếc ghế nhựa. Cách đây mấy năm, mẹ bị tai biến nên bại liệt. Mọi sinh hoạt phải nhờ con cháu chăm sóc. Người ra đón chúng tôi là anh Nguyễn Quyền, con thứ nhưng là trai đầu của mẹ, hiện công tác tại Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên. Mẹ Quên giới thiệu với chúng tôi con, cháu và cả chắt từ Đà Lạt ra thăm. Chủ nhật này chúng nó hẹn nhau về cả đây. Mẹ nói.
 
Chúng tôi xin phép cả nhà thắp hương cho cụ ông Nguyễn Thạch xong, cùng ngồi xuống nền nhà đã trải chiếu sẵn, uống nước và nghe kể chuyện. Vừa qua cơn tai biến, nhưng mẹ Quên vẫn nhớ rất rõ những chuyện năm xưa nuôi dấu cán bộ cách mạng của bà con mình ở làng Bao La. Mẹ kể: Nuôi giấu cán bộ cách mạng ở đây thì nhiều người, bí mật, gian nan lắm. Trong số đó có cậu Thuận đây là bộ đội từ miền Bắc vào. Trong trận Phước Yên (Quảng Thọ, Quảng Điền), cậu ấy bị thương nặng, không đưa lên rừng được, nên tổ chức đã bí mật báo cho vợ chồng tôi đón cậu đưa về hầm bí mật, cứu chữa lành vết thương tìm đường trở về đơn vị. Khi đón cậu Thuận ở ngoài rìa làng, vết thương ở đùi khá nặng và đã bốc mùi, áo quần đầy máu và lấm lem bùn đất. Khi thay áo quần cho cậu Thuận, cái khó nhất là làm sao giặt và phơi khô để địch không phát hiện. Thế là mẹ đã nghĩ ra cách, lấy bộ áo quần dính đầy máu ấy mang vào người rồi choàng áo của mình ra bên ngoài, lội ra mương giả vớt rong, dùng tay giũ sạch áo. Còn khi phơi, cho áo vào trong cái bội sắt nhốt gà, bên ngoài chất rơm rác sấy nóng, kẻ địch đi ngang trông thấy cứ ngỡ mình đang đốt rác nên không để ý. Ngay chuyện bới cơm và thức ăn, nước uống cũng phải cẩn thận tưng ly, từng tý. Một hai bữa còn được, chứ nấu liên tục là lộ liền. Kẻ địch đi lùng, soi mói, xăm hầm từng ngày. Đến bữa, địch còn xoi mói tận bếp. Phát hiện nồi cơm, niêu cá nhiều hơn ngày thường là bị tra khảo ngay. Vì thế phải phân công nhiều nhà nấu cơm bới xen kẽ, bỏ nơi quy định rồi mình đến đó lấy mang về hầm bí mật…
 
Cô Huệ, con gái đầu của mẹ Quên đưa con cháu cả nhà từ Đà Lạt ra, quây quần bên mẹ, say sưa nghe kể chuyện rồi cũng rôm rả góp chuyện: Cháu nhớ, buổi đó cậu Thuận thường đóng giả dân làng Bao La, bế cháu đi chơi ngoài rìa làng. Cậu thường trèo lên cây cao nói là để hái hoa, quả cho cháu. Cháu đâu biết là cậu đang trèo lên cây cao để quan sát địa hình và nắm tình hình địch…”.
 
Cả nhà nhất quyết mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa. Quyền giới thiệu với chúng tôi: “Cậu Thuận giờ là người nhà ruột thịt của chúng cháu. Ngôi nhà này là ngôi nhà tình nghĩa đầu tiên ở làng Bao La này. Sau giải phóng miền Nam 1975, trên đường ra Bắc thăm quê, cậu Thuận đã dừng lại ở cầu An Lỗ tìm về thăm lại cơ sở cách mạng nuôi giấu mình. Thấy ngôi nhà của ba mạ cháu bị bom đạn phá sạch đã quyên góp tiền bạc mua vật liệu để xây dựng lại. Đã 38 năm rồi giờ vẫn còn nguyên. Dẫu đã có phần xuống cấp, nhưng chúng cháu chỉ muốn tu bổ lại, không nỡ phá bỏ xây mới. Đâu chỉ xây nhà, cậu Thuận còn về chịu tang, góp tiền phần hơn xây mộ cho ba cháu khi ba cháu qua đời. Hằng năm, mỗi dịp lễ Tết, giỗ chạp Cậu đưa cả nhà ra thăm viếng gia đình cháu, xem làng Bao La này như quê nội mình rứa. Cả nhà cháu ai cũng quý cậu lắm. Hải - đứa cháu ngoại của mẹ Quên, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Ngoại ngữ, TP Hồ Chí Minh nãy giờ ngồi hóng chuyện, bỗng thốt lên với mấy đứa em mình: “Nè, bài hát “Huyền thoại mẹ” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn được viết nên là từ hình ảnh của bà ngoại mình đây nè: “ Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/Từng câu chuyện ngày xưa…”. Câu chuyện của 45 năm về trước và cả câu chuyện hôm nay.
Bài và ảnh: Tâm Hành