Châu Âu cần khắc phục vấn đề chia rẽ nội bộ |
Vấn đề duy nhất đó là trong nội bộ EU đang có sự chia rẽ sâu sắc. Cuộc khủng hoảng tài chính đi qua đã để lại những “vết sẹo” hằn sâu cùng với tỉ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước và cuộc khủng hoảng di cứ làm xói mòn quan hệ giữa các nước thành viên và chủ nghĩa dân tộc đang lên ngôi.
Mặc dù vậy, Uỷ viên Thương mại EU Cecilia Malmström vẫn bày tỏ tin tưởng rằng châu Âu có nhiều thứ để đóng góp cho phần còn lại của thế giới. Theo bà, việc thiếu vai trò lãnh đạo hiện thời của Mỹ là một cơ hội cho EU “chứng tỏ chúng ta có thể triển khai các thoả thuận thương mại tốt, có tính bền vững và đôi bên cùng có lợi. Thông qua đó, chúng ta có thể xúc tiến các giá trị châu Âu và xây dựng các liên minh và tình hữu nghị với các nước trên khắp thế giới”.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, nhất trí với ý kiến trên về mặt nguyên tắc, song bổ sung rằng thậm chí thị trường chung châu Âu vẫn còn xa với mục tiêu hoàn thiện.
Ông nói: “Chúng ta có thể bơm thêm 1,5 ngàn tỉ euro vào nền kinh tế châu Âu, con số tương đương bằng cả nền kinh tế Tây Ban Nha, bằng cách thực hiện thị trường chung về công nghệ số, dịch vụ, vốn và năng lượng.”
Theo ông Rutte, những nhân tố bổ sung này sẽ góp phần kiến tạo ra 4 triệu việc làm ở châu Âu. “Hiện tại, chúng ta chưa làm điều đó. Thị trường nội tại châu Âu chỉ mới khai thác ở khâu hàng hoá và đóng góp vẻn vẹn 30% cho nền kinh tế châu Âu.”
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cố gắng nhìn vào những điểm khả quan. Sau khi nước Anh quyết định rút lui khỏi con thuyền EU, “chúng ta có nguồn năng lượng mới để thay đổi tại châu Âu. Đó là một nghịch lý Brexit: 27 nước còn lại đã nỗ lực thúc đẩy châu Âu”, ông nói.
Những quan ngại và bất đồng
Với vai trò là đầu tầu dẫn dắt châu Âu, Đức và Pháp cũng khiến những ngước nhỏ hơn e ngại, đó là ý kiến của Thủ tướng Ireland Leo Varadkar. Ông nhận định: “Chúng toi không muốn thấy các cuộc họp ở Paris và Berlin, nơi chỉ có các nước với dân số trên 40 triệu người được mời tham dự và các nước nhỏ hơn sau đó chỉ nhận được thông báo điều gì tốt cho châu Âu.”
Cuộc khủng hoảng di cư hiện thời đã cho thấy rõ mức độ bất đồng sâu sắc trong nội tại châu Âu. Các nước như Hungary và Ba Lan từ chối tiếp nhận người nhập cư, trong khi Italy và Hy Lạp vẫn đều đặn đón nhận các tàu mới chở người châu Âu cập bến cảng hai nước này mỗi ngày.
“Đây là một vấn đề của châu Âu. Vì thế, chúng ta cần có một chính sách di trú và tị nạn chung”, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipas bày tỏ.
“Luật lệ là luật lệ”
Theo ông Tsipas, Hungary và Ba Lan không nên được hưởng các lợi ích của EU khi từ chối đảm đương phần trách nhiệm của mình. Ông nói: “Chúng ta có những luật lệ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, Bộ trưởng Tài chính đức Schäube đã nhắc nhở mọi người rằng luật lệ là luật lệ. Đây là điều là người bạn rất thân thiết của tôi, Thủ tướng Hungary Victor Orban cũng cần phải thấu hiểu.”
Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc đang lên ngôi ở Hungary, Ba Lan, Đức và nhiều nước khác. Song theo sử gia Timothy Snyder đang công tác tại trường Đại học Yale (Mỹ), tại châu Âu “không có quốc gia dân tộc để quay trở lại”. Trong lịch sử, châu Âu được thống trị bởi các đế chế chứ không phải các nhà nước độc lập. “Người châu Âu cần hiểu rằng với EU, họ đã tạo ra một thể chế hoàn toàn mới. Và điều này khiến các quốc gia châu Âu là có thể.”
Vậy làm thế nào người Âu châu có thể đóng một vài trò toàn cầu khi đang sa lầy vào những bất đồng nội bộ? Ông Snyder, một công dân Mỹ, cũng đã đưa ra lời đáp: “Vì không còn ai khác để định hướng các giá trị chung. Đây là cơ hội dành cho châu Âu, đây là điều mà không ai khác có thể làm được vào lúc này”.
Theo VOV