Tiểu đội 11 cô gái sông Hương (ảnh tư liệu)
Để có lực lượng thông thạo địa bàn dẫn đường cho bộ đội chủ lực trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giữa năm 1967, cấp trên chỉ thị thành lập một tiểu đội có tên gọi là “11 cô gái sông Hương”. Đây là những cô gái trong độ tuổi mười tám, đôi mươi, chủ yếu ở làng Vân Thê, xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ đã từng tham gia du kích tại địa phương. Chị Phạm Thị Liên được phân công làm đội trưởng.
Ngày mới thành lập, ban ngày các chị vẫn chằm nón, bán nón như người dân bình thường, nhưng đêm về lại tham gia đào hầm bí mật, đi thăm dò tình hình về các hoạt động bí mật của địch, kịp thời báo cáo cấp trên để chủ động đối phó, đồng thời, tham gia vận động người dân quyên góp lương thực, thực phẩm phục vụ chiến đấu.
Ngày 31/1/1968, khi lực lượng bộ đội chủ lực tiến quân về Huế, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương đã nhận lệnh dẫn đường đưa bộ đội vào tấn công các mục tiêu quan trọng của địch ở phía nam TP. Huế. “Để làm tốt nhiệm vụ này, chị em chúng tôi đã nghiên cứu nhiều tháng trời, thuộc lòng từng đường đi lối về dẫn tới các mục tiêu đầu não của địch”, bà Nở kể.
Đúng đêm giao thừa, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương chia làm ba tổ dẫn ba cánh quân vào thành phố. Tiếng súng tấn công, nổi dậy của quân và dân TP. Huế nổ vang trời. Mỹ ngụy không kịp trở tay.
Bà Hoàng Thị Nở tìm tư liệu về tiểu đội của mình
Sau đó, địch phản công quyết liệt với xe tăng, thiết giáp từ Phú Bài đổ lên, máy bay gầm rú trên bầu trời. Vừa tải thương, các cô gái trong tiểu đội 11 cô gái sông Hương vừa vận động người dân đào hầm hào công sự và trực tiếp tham gia chiến đấu. Trong chiến hào, các chị dàn trận khắp phường, lợi dụng nhà dân để đánh địch.
Bà Hoàng Thị Nở bồi hồi nhớ lại: Mùa xuân năm ấy se lạnh, mưa phùn lất phất. Mấy chị em cùng ăn tết ngay trên công sự khét lẹt mùi súng đạn. Bánh tết được người dân trong phố đem ra tiếp tế. Riêng trận đánh đêm 11 sáng 12/2/1968, cả tiểu đội 11 cô gái sông Hương với vũ khí được trang bị như AK, K44, một số mìn và lựu đạn các loại đã phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích dàn trận khắp các vùng ven chợ Cống, khách sạn Hương Giang, sân vận động... để cầm cự và đánh lui một tiểu đoàn lính Mỹ, gồm có nhiều xe bọc thép và máy bay chiến đấu yểm trợ.
Trận này, tiểu đội 11 cô gái sông Hương góp phần tiêu diệt và thu nhiều vũ khí, đạn dược của địch để phục vụ cho chiến đấu, góp phần cùng quân và dân ta làm chủ TP. Huế trong 26 ngày đêm. “Trong cuộc chiến ác liệt ấy, 4 chị: Hoàng Thị Sau, Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Hết, Nguyễn Thị Diên đã anh dũng hy sinh”, giọng bà Nở chùng xuống.
Sau 26 ngày đêm chiến đấu ác liệt, cùng với các đơn vị khác, tiểu đội 11 cô gái sông Hương được lệnh rút về chiến khu và sau đó họ vinh dự được Bác Hồ gửi thơ khen: “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Lúc bấy giờ tiểu đội chỉ còn 7 người và được bổ sung lực lượng, phát triển lên thành Trung đội nữ vũ trang Võ Thị Sáu.
Sau một tháng luyện tập quân sự và bồi dưỡng chính trị, các chị được phân công về lại vùng ven của thành phố tiếp tục chiến đấu. Ngày 15/9/1969, Trung đội phó Đỗ Thị Cúc hy sinh trên đường trở về thành phố làm nhiệm vụ. Tháng 4/1972, Trung đội trưởng Phạm Thị Liên cũng hy sinh khi đang chiến đấu với địch. Tiểu đội 11 cô gái sông Hương chỉ còn 5, đó là bà Hoàng Thị Nở, Nguyễn Thị Hợi, Lê Thị Xê, Nguyễn Thị Hoa và Chế Thị Mừng và họ tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Hiện có 4 người sống ở Thừa Thiên Huế, trong đó 3 người ở Huế, 1 người ở xã Điền Môn, huyện Phong Điền là bà Nguyễn Thị Hợi, riêng bà Xê lập gia đình và sống ở Ninh Bình.
Sau giải phóng 1975, hài cốt 6 chiến sĩ trong Tiểu đội 11 cô gái sông Hương được quy tập, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. Năm 2008, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho Tiểu đội 11 cô gái sông Hương. Ngoài bia tưởng niệm tại ngã tư Bà Triệu - Lê Quý Đôn, phường Phú Hội, năm 2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cũng đã khánh thành Bia chiến công 11 cô gái sông Hương tại công viên Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ. Đây là công trình được hội vận động từ sự đóng góp của cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp, các cơ quan, ban ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, là tình cảm, ý nguyện, sự tri ân lớn lao của phụ nữ Thừa Thiên Huế với các thế hệ phụ nữ đi trước.
Phát biểu tại lễ khánh thành Bia chiến công 11 cô gái sông Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà từng nhấn mạnh: Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế mãi mãi trân trọng, ngưỡng mộ, tri ân những chiến công và sự hy sinh anh dũng của các chị trong Tiểu đội 11 cô gái sông Hương. Việc khánh thành Bia chiến công 11 cô gái sông Hương anh hùng tại địa điểm mới, với không gian kiến trúc đẹp là nơi để cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là các thế hệ phụ nữ tổ chức các hoạt động tri ân, tôn vinh và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Hải Thuận