Nội dung của các lớp tập huấn tập trung vào hai vấn đề chính. Một là, giúp cho cơ sở làm nghề nón nhận thức được các khái niệm mới về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường; từ đó, vận dụng vào điều kiện thực tế nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao. Hai là, cải tiến mẫu mã gắn với quy trình sản xuất mới phù hợp với nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng xu hướng sử dụng nón lá phục vụ trang trí nội thất, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong tiêu dùng, phục vụ du lịch và hướng đến xuất khẩu.

Khi mà chiếc nón làm ra không chỉ là dùng để đội che nắng che mưa gắn với nhu cầu làm đẹp của con người thì việc cải tiến mẫu mã là chuyện đương nhiên. Chẳng hạn, để trở thành mặt hàng xuất khẩu, nghề làm nón là phải được tổ chức lại theo quy mô và trình độ quản lý cao chứ không thể là tình trạng sản xuất phân tán, nhỏ lẻ như hiện nay. Hay như, để thu hút và hấp dẫn khách du lịch, chiếc nón lá phải đẹp, phải lạ, có thể vận chuyển đi xa thuận lợi; trong đó hàng đầu phải là yếu tố lạ, mang bản sắc riêng biệt, là đặc sản của vùng đất Thần kinh. Đó cũng là vấn đề đặt ra khi thực hiện cải tiến mẫu mã chiếc nón lá Huế hiện có.

Vừa qua, tôi được biết một cơ sở nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế đã phục hồi nghề làm gốm truyền thống bằng cách ra Bát Tràng học cách chế tác và mẫu mã sản phẩm. Cách làm này góp phần tạo nên một cơ sở sản xuất đáp ứng tiêu dùng tại địa phương và hơn thế có thể xuất bán đi được nhiều nơi, nhưng khó có thể đáp ứng mục tiêu giữ gìn, bảo tồn và phát triển một giá trị văn hóa vật chất giàu bản sắc. Chưa kể, không khéo nó lại đẩy nhanh sự mai một của những giá trị truyền thống vốn có.

Không chỉ riêng có ở đất Huế. Vậy nhưng, nón lá bài thơ xứ Huế lại là một đặc sản không dễ nơi nào có được. Rất nhiều yếu tố, nhưng điều rõ ràng là cầm chiếc nón lá Huế ai cũng nhận thấy là thanh mảnh và nhẹ. Thanh mảnh nhưng bền thế mới hay, mới đáng xưa nay người đời ngợi ca: “Mỏng như tờ giấy, nhẹ nhàng như cánh nhạn”. Hay, điểm đặc sắc tạo nên tên tuổi và danh tiếng nón lá Huế là những “bài thơ trong chiếc nón”. Người thợ ghép vào giữa 2 lớp lá mỏng và sáng những tranh cắt giấy là những hình ảnh danh thắng Huế, những hoa văn tinh tế hay những câu thơ nổi tiếng. Muốn đọc thơ, xem tranh phải đưa nón lên soi trước ánh sáng. Vẻ đẹp của nón bài thơ luôn luôn được xem là hình ảnh phản ánh vẻ đẹp kín đáo của người phụ nữ Huế, phải nhìn lâu, nhìn kỹ, mới cảm nhận được.

Việc cải tiến quy trình sản xuất hay mẫu mã của nón lá Huế có thể sẽ tạo ra được số lượng sản phẩm nhiều hơn và đẹp. Vậy nhưng, nó sẽ không thành công nếu không nói là thất bại nếu làm đánh mất những giá trị truyền thống đặc sắc, cái “hồn” của chiếc nón bài thơ xứ Huế xưa nay. Ở đây, cần đến sự hiểu biết và cẩn trọng, không vì những lợi ích trước mắt mà nôn nóng, vội vàng. Chuyện không quá khó nhưng lại dễ bị người đời bỏ qua và xem thường.

Đan Duy