Hàn Quốc giảm giờ làm để người dân có thời gian nghỉ ngơi, tiêu dùng và cũng để có thêm việc mới cho người thất nghiệp - Ảnh: YOUTUBE
Qui định sẽ được áp dụng từ ngày 1/7 năm nay đối với các doanh nghiệp có từ 300 công nhân trở lên, đến tháng 1/2020 sẽ đến với các doanh nghiệp sử dụng từ 50 đến 299 lao động và cuối cùng, từ tháng 7/2021 sẽ là các doanh nghiệp còn lại.
Những lĩnh vực đặc thù có thể không tuân theo quy định trên sẽ giảm từ 26 xuống còn 5 (trong đó có hai ngành vận tải và y tế).
Tính đến thời điểm hiện nay, người dân Hàn Quốc thường làm việc tổng cộng 40 giờ/ tuần, và có thể có thêm 12 giờ phụ trội và 16 giờ "tăng ca" vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Tuy nhiên theo nhật báo Kyunghyang Shinmun, kế hoạch cải cách thời gian làm việc nói trên sẽ giúp người lao động ở Hàn Quốc "có được chất lượng cuộc sống tốt hơn", nhất là "trong giai đoạn tăng trưởng chậm lại như hiện nay, việc cần thiết nhất là phải rút ngắn thời gian làm việc để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân".
Theo một vài khảo sát, việc giảm giờ làm xuống còn 52 giờ/tuần có thể tạo ra thêm được 600.000- 700.000 việc làm mới.
Trong khi đó, nhật báo JoongAng Ilbo tỏ ra lo lắng khi cho rằng quy định mới sẽ tạo ra "một gánh nặng lên những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khi gần 70% chi phí để trả lương công nhân, ước tính 12. 000 tỉ won mỗi năm, sẽ do các doanh nghiệp dưới 300 lao động gánh chịu".
Cho nên nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc đã gặp nhiều khó khăn trước quy định tăng lương tối thiểu lên 16,4%, được áp dụng vào đầu năm 2018.
Theo báo The Korea Herald, "biện pháp cải cách này là một đồng thuận mang tính thực tiễn và hợp lý khi đáp ứng được yêu cầu của các nghiệp đoàn và những người sử dụng lao động" bởi vì trên thực tế, người dân Hàn Quốc đang làm việc quá nhiều.
Theo nhật báo JoongAng Ilbo, Hàn Quốc đứng thứ ba, sau Mexico và Costa Rica, trong danh sách những quốc gia mà người lao động làm việc nhiều nhất thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Bảng xếp hạng này không tính đến Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo Tuổi trẻ