Công nhân thi công các hạng mục dự án
Xử lý gỗ nhằm tăng tuổi thọ công trình
Trên công trình của dự án, lực lượng công nhân đang khẩn trương thi công. Ban Chỉ huy công trình thông tin, đến thời điểm hiện tại, đơn vị đang triển khai thực hiện hệ thống cọc bê tông ly tâm ở bờ Nam sông Hương theo hai mũi từ thượng lưu, hạ lưu con sông và tiến hành đổ dầm bê tông một số đoạn.
Ban QLDA KOICA cho biết, quá trình thiết kế dự án, các chuyên gia, tư vấn Hàn Quốc và Việt Nam đã tư vấn, nghiên cứu kỹ các vật liệu lát sàn: đá granit, gỗ tổng hợp sản xuất tại Việt Nam, gỗ tổng hợp sản xuất tại Hàn Quốc, gỗ lim… thậm chí đánh giá các yếu tố thân thiện môi trường, cảnh quan; màu sắc hài hòa, góp phần tạo nét đặc trưng; kinh phí đầu tư… Kết quả, phía tư vấn đề xuất chọn gỗ lim lát sàn tuyến cầu đi bộ bởi đây là một trong bốn loại gỗ nằm trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu). Gỗ lim rất cứng, chắc, bền, không bị mối mọt, co ngót, biến dạng hay cong vênh theo thời tiết, bền vững theo thời gian ở cả vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
Theo hồ sơ thiết kế, nguồn gốc gỗ lim là nhập khẩu, có quota nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi. Hạng mục cầu đi bộ lát sàn gỗ lim này rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400; mặt trên sàn bê tông được lát mặt gỗ lim dày 5cm, liên kết với sàn bê tông cốt thép. Tổng diện tích lát sàn bằng gỗ lim 2.438m2 với kinh phí trên 5,14 tỷ đồng. Thực hiện theo quy trình chỉ dẫn kỹ thuật, phần lát sàn bằng gỗ lim đảm bảo ổn định và được xử lý gỗ nhằm tăng tuổi thọ công trình.
Công nhân thi công hệ thống cọc bê tông ly tâm
Đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến
Ông Phạm Tư Oanh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú đứng chân trên địa bàn Huế cho hay, rất nhiều quốc gia quy hoạch, thiết kế đường đi bộ trên sông rất đẹp. Chính những không gian như vậy tạo ra điểm nghỉ ngơi, giải trí và hoạt động ngoài trời đa dạng, thu hút du khách. Dự án nói trên chắc chắn được cân nhắc lựa chọn triển khai với mục tiêu không chỉ dừng lại ở mức “cải thiện” trước mắt, mà đã được đặt trong tầm nhìn lớn, dài hạn của bài toán quy hoạch trong quá trình triển khai.
Vấn đề quan trọng ở đây là công khai quy hoạch tổng thể, thiết kế các hạng mục rộng rãi để nhiều người dân biết. Theo tôi, cần có cơ chế để Nhân dân giám sát công trình... Nếu minh bạch được như vậy không chỉ khơi dậy được niềm tin và sự ủng hộ, mà còn đề cao trách nhiệm của cộng đồng... Ngoài ra, cân nhắc thêm những băn khoăn của người dân về chất liệu gỗ, thiết kế cho dự án đang làm", ông Oanh nhấn mạnh.
Theo ý kiến của lãnh đạo tỉnh, trước khi triển khai dự án, UBND tỉnh và Ban QLDA đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến người dân nhằm tạo sự đồng thuận trong dân và đảm bảo hài hòa giữa thiết kế và công năng sử dụng. Riêng số lượng gỗ lim để phục vụ thi công cầu được nhập khẩu hợp pháp. Đây là loại gỗ tốt nhất và có khả năng chống chịu với thời tiết mưa lũ ở Huế. Qua nghiên cứu của các chuyên gia, thiết kế cầu sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy, đảm bảo an toàn trong mưa lũ và sẽ không gây ứ đọng rác bên dưới.
Ban (BQL DA KOICA) đã phối hợp với Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức công bố, lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với phương án thiết kế dự án DA từ ngày 4 đến ngày 25/7/2016. Trong đó, đối với nội dung lấy ý kiến về kết cấu, vật liệu (tại bản vẽ chi tiết của sàn đi bộ và mô hình thực được trưng bày xin ý kiến, có thể hiện việc sử dụng gỗ lim để lát sàn), kết quả hoàn toàn đồng ý với 29/32 phiếu, tỷ lệ trên 90%. “Sau khi có kết quả tổng hợp nội dung góp ý của cộng đồng dân cư, Ban QLDA KOICA cũng đã yêu cầu tư vấn xem xét kỹ hơn về việc sử dụng gỗ lim; rà soát, đề xuất một số phương án sử dụng vật liệu khác ngoài gỗ lim để có sự phân tích, so sánh cụ thể”, đại biện BQL DA KOICA cho biết thêm. |
Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN