Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chiếm khoảng 60% tăng trưởng nhu cầu dầu thô trên thế giới trong 5 năm tới. Ảnh: Reuters

Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ sẽ lên tới 104.7 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Thị trường các sản phẩm dầu mỏ châu Á-Thái Bình Dương, như xăng và naphtha được dự báo tăng 12% từ mức của năm 2017 lên 38,1 triệu thùng/ngày.

Trong kịch bản này, nhu cầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng trung bình 2% mỗi năm đến năm 2023, nhờ sức tăng của nhu cầu tiêu thụ các vật liệu hóa dầu cơ bản, như etan và naphtha. Tăng trưởng nhu cầu toàn cầu sẽ chỉ đạt trung bình là 1,1%.

Bên cạnh đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng được dự báo chiếm khoảng 60% tăng trưởng nhu cầu sản phẩm dầu mỏ toàn cầu trong 5 năm tới. Trong năm 2022, nhập khẩu dầu của Trung Quốc có khả năng vượt mức 10 triệu thùng/ngày và vượt mức nhập khẩu cũ của Mỹ, Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol nhận định.

Tuy nhiên, triển vọng lâu dài được cho là không rõ ràng, ngay cả ở thị trường lớn nhất của châu Á. Các chính sách về năng lượng của Trung Quốc khuyến khích việc sử dụng những phương tiện thương mại đốt khí tự nhiên, và sự tăng trưởng nhu cầu xăng dầu dự kiến ​​sẽ chậm lại. Trong giai đoạn 2017-2023, tăng trưởng trong nhu cầu dầu hàng năm được dự báo giảm xuống còn 331.000 thùng/ngày, từ mức trung bình 560.000 thùng mỗi năm trong giai đoạn 2010-2017.

Trong khi đó, Mỹ đang sẵn sàng trở thành nhà sản xuất dầu và chất lỏng khí tự nhiên (NGL) hàng đầu trên thế giới, với sản lượng tăng khoảng 30% lên 16,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sức tăng trưởng tổng thể, tăng 74% lên 7,8 triệu thùng/ngày.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei & Reuters)