Đây là một trong những ngoại lệ hiếm hoi trong lịch sử đặt tên đường ở Huế. Thông tin trên được loan đi, lập tức trở thành chuyện thời sự được đông đảo người dân mọi tầng lớp quan tâm, bàn tán... Đơn giản đó là nguyện vọng, mong muốn của họ từ lâu nay. Việc có một con đường mang tên người nhạc sĩ tài hoa này, có thể coi là một sự “đền bù” về mặt tinh thần cho công chúng yêu nhạc sau dự án làm nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Huế bất thành bởi nhiều lý do.  

Nhân chuyện này mới nhớ là lâu nay, việc đặt tên đường và cả trường học không những ở Huế mà cả nước đã và đang diễn ra rất lộn xộn, nếu không muốn nói là tuỳ tiện, đặc biệt là việc đặt tên trường. Theo logic, việc đặt tên đường và trường cần phải có hai tiêu chí khác nhau (ví dụ tiêu chí đầu tiên của tên trường phải là tấm gương hiếu học). Nhưng trong thực tế, cả hai việc đều được mặc định với một tiêu chí chung là nhân vật, danh nhân văn hoá, lịch sử...
 
Đã vậy, việc đặt tên đường còn có hội đồng đặt tên đường, trong khi việc đặt tên trường lại không có hội đồng mà do địa phương đề xuất lên. Chính những yếu tố vừa nêu dẫn đến thực trạng tréo ngoe như nhân vật đặt tên trường lại không phải là tấm gương hiếu học mà là tấm gương đánh trận. Họ là những anh hùng dân tộc, là những tấm gương sáng, nhưng điều mà các thế hệ học sinh hôm nay cần noi theo không phải là phẩm chất gan dạ trong chiến đấu chống ngoại xâm, mà cần hơn nhiều điều khác. Hoặc cùng một địa phương nhưng lại có đến ba, bốn trường cùng mang tên Nguyễn Tri Phương, khiến danh xưng dễ nhầm lẫn, và có cảm giác là chúng ta đang cạn kiệt danh nhân lịch sử, văn hoá, trong khi thực tế lại chứng minh điều ngược lại. 
 
Điều cần nhất bây giờ là một sự “nhận thức lại” về tư duy đặt tên đường, tên trường, với những hội đồng và tiêu chí riêng cho từng phần một cách rõ ràng, cụ thể và công khai. “Nhận thức lại” cũng là yêu cầu đặt ra đối với lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo các cấp huyện, thành phố. Bởi một địa phương có một lúc ba, bốn trường học cùng mang tên một danh nhân là hệ luỵ của rất nhiều lý do…   
 
Tường Minh