Trước đây, khi kinh tế còn khó khăn mong sao cho có bữa cơm no, chưa dám mơ đến ăn ngon. Được bữa no, cơm có tí thịt là quý lắm, ăn tô bún buổi sáng là cả một sự cân nhắc. Nhà nào có giỗ được mời đến là mừng lắm, vì sẽ có món ngon mà bữa ăn hàng ngày rất hiếm thấy. Bây giờ đời sống nhiều gia đình đã khấm khá hơn, người ta có xu hướng tìm đến chọn ăn ngon, ăn sang…

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu hàng ngày, con người không thể tồn tại nếu không được ăn uống đầy đủ, khoa học. Khi mà cần bữa ăn no chỉ còn là hoài nệm thì người nghĩ đến là “ăn chơi”. Ăn chơi không theo nghĩa xấu mà là ăn cho vui, giao lưu là chính, ăn chỉ là cái cớ để gặp nhau. Tôi nhớ một vị lãnh đạo cấp cao đã từng nói: Dân mình nghèo nhưng mà sang. Sang ở đây không có nghĩa lịch sự, cao sang mà là sự lãng phí quá mức. Người ta mời nhau đi ăn không quan trọng ăn gì, nhiều hay ít, nhưng người mời không đành lòng mời khách với những món “chặt to kho mặn”, món ăn sơ sài. Vậy là phải có thật nhiều món, đặc sản, độc đáo… Có những bữa tiệc chỉ có 5- 6 người nhưng khi dọn ra cả chục người ăn cũng không hết. Biết có thể bị thừa nhưng người mời không đành gọi ít vì sợ trách không nhiệt tình. Có lẽ đây cũng là đặc tính của người Việt trong ứng xử khi mời khách: “thà thừa còn hơn thiếu”. Nhìn bàn tiệc mời khách với nhiều món ê chề, ngổn ngang mới thấy lãng phí biết chừng nào. Ăn bao giờ cũng có uống và có khi uống nhiều hơn ăn, uống ít làm mất vui cả chủ và khách. Đã uống vào ít ly bia, nước ngọt bụng đã ngang anh ách còn đâu mà ăn. Uống bia rượu loại bình thường đã tốn kém lắm rồi, có nhiều người chơi sang (thể hiện đẳng cấp) còn mời những chai rượu tây trị giá tiền triệu, có chai quy ra tiền bằng cả tháng tiền công người lao động.

Người phương tây mặc dù giàu hơn dân ta nhiều nhưng họ rất tiết kiệm, không phải vì keo kiệt, cũng không phải ăn uống  kham khổ. Người ta ăn đủ no, không thừa mứa lãng phí kể cả ăn uống thường ngày hay cả  khi tiếp khách. Tôi nhớ lần bà Đại diện vùng Nospadeclair – Pháp (tương tự như Chủ tịch HĐND tỉnh ở ta) chiêu đãi đoàn chúng tôi, nghĩ là phải thịnh soạn lắm nhưng vào tiệc mới biết. Cũng chỉ là những món như ăn thường ngày, ai thích ăn gì thì tự gọi món đó (theo khẩu vị từng người). Chỉ khác là giá tiền cao hơn một chút, thêm món kem và ly cà phê tráng miệng. Rượu cũng chỉ rót uống vài ly, chủ yếu là kích thích ngon miệng chứ không hò la dzô dzô, 100%... Một sự lạ là trên mỗi dĩa đồ ăn còn có thêm 2 lát bánh mì để bên cạnh, mặc dù thực đơn không có. Ăn xong mới biết đó là cái để “vét đĩa”, dùng lát mì vét cho hết đồ ăn trong dĩa mà thìa nĩa không làm được. Thế mới thấy người ta tiết kiệm dù là cái nhỏ nhất, có lẽ đó cũng là nét lịch sự trong văn hóa ăn uống. Nhìn lại bàn ăn người Việt khi tàn tiệc đồ ăn còn thừa mứa ngổn ngang, nhiều món ăn chưa hết phân nửa nhưng cũng được đổ thùng rác hoặc đổ cho heo. Bia rượu rót tràn lan không uống hết thì chỉ còn việc đổ xuống cống, mặc dù bia ngon rượu quý, giá của mỗi ly rượu bia như vậy không hề rẻ.

Theo thống kê của FAO: mỗi năm có 1/3 lượng lương thực bị lãng phí, tương đương 1.000 tỷ USD. Quá trình sản xuất ra lượng lương thực lãng phí đó đã tạo ra 3,3 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đối nghịch của lãng phí là nạn nghèo đói đã và đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Hàng năm có khoảng 11 triệu trẻ em bị chết vì đói, phần lớn ở các nước thuộc châu Phi…. Với Việt Nam chúng ta chưa phải giàu, mới ra khỏi diện thoát nghèo, đâu đó  vẫn còn nhiều gia đình thiếu lương thực, bữa ăn đang dưới mức trung bình, thiếu dinh dưỡng…

Lãng phí ăn uống là vấn đề cần báo động, đã đến lúc phải phê phán, coi đây như một tệ nạn xã hội. Cần tạo nên phong tục ăn uống tiết kiệm trong từng gia đình và trong toàn dân. Mỗi người tự giác tiết kiệm trong ăn uống, với những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn hết sức nhân đạo.

NGUYỄN AN HÒA