Ông Thừa vui sướng bên những củ mài
Quà tặng từ rú cát
Ngược TP. Huế về phía đông chừng 30km, Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc) là một ngôi làng nhiều rú cát. Năm thôn trên địa phận làng thì đã có bốn thôn giáp biển, rú cát. Rú cát Mỹ Lợi chằng chịt dây leo, um tùm bụi rậm nhưng giấu mình trong nó là cả một kho sản vật quý giá: Khoai mài!
Thuở trước, rú cát của làng Mỹ Lợi có rất nhiều khoai mài. Mỗi năm cứ dịp sau tết đến tháng ba âm lịch, người dân làng Mỹ Lợi lại đến mùa đào loại củ này. Khoai mài Mỹ Lợi từng là loại "củ tiến vua". Ông Nguyễn Hải, cựu trưởng làng Mỹ Lợi, tự hào: “Mỹ Lợi còn lưu giữ 5 tờ thị từ năm 1688 đến năm 1766 về việc tiến vua đặc sản của làng. Nội dung tờ thị ghi rõ chuẩn cho cả phường Mỹ Toàn (tức Mỹ Lợi ngày nay) từ nay về sau theo Nội phủ làm các việc, hàng năm đem nộp củ mài, còn những thứ thuế má tạp dịch đều miễn hết”.
Lặn lội tìm cho ra củ mài ở làng Mỹ Lợi hiện khó vô cùng. Tốc độ đô thị hóa cộng với việc dân số gia tăng khiến rú cát của làng thu hẹp lại đáng kể. Đó là chưa nhắc đến vị ngon hiếm có của loại củ này khiến đội quân săn lùng đặc sản tiến vua ngày càng đông đảo. Tính trên địa bàn năm thôn của xã Vinh Mỹ, hiện chỉ còn rú cát thôn một, thôn hai là có củ mài mà theo lời ông Nguyễn Cà, sinh năm 1948, người đào khoai mài lão luyện tại làng Mỹ Lợi cho rằng “tạm được”.
Loại củ tiến vua này có dáng vẻ và vị ngon rất độc đáo. “Khoai mài Mỹ Lợi mọc nơi rú cát nên củ thường mảnh, thon dài. Củ màu trắng hoặc hơi ngà vàng, vỏ rất mỏng. Chất đất đặc trưng khiến khoai mài Mỹ Lợi nhìn rất khác, “đài các”, "khó chiều hơn”, ông Cà nhận xét. Do nguồn khoai mài của làng Mỹ Lợi đã cạn kiệt từ lâu nên ông Cà phải chuyển địa điểm mưu sinh sang các làng khác. Chiếc xe đạp “cà tàng”, dụng cụ chuyên dùng, gồm thuổng, thùng xốp đựng khoai, bao tải và nước uống, vào mùa cao điểm mỗi ngày ông Cà đào được xấp xỉ 10kg khoai. Ông rong ruổi từ khu vực gần Thuận An (Phú Vang) xuống tận Vinh Hiền, qua Rẫm (Phú Lộc). Thấy chúng tôi chăm chú, bà Lòn, vợ của ông Cà, khoe: “Chồng tôi đi đào khoai mài từ năm 12 tuổi, gần 60 năm lăn lộn với đất cát, với khoai mài khắp nơi. Nhờ củ mài mà gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập”.
Ai từng ăn hẳn sẽ không bao giờ quên được vị ngon của khoai mài Mỹ Lợi. Chất đất trắng bong, chắt chiu từng chút từng chút nguồn dinh dưỡng, khoai mài Mỹ Lợi hội tụ tinh túy rú cát. Khoai mang vị dẻo quánh, bùi bùi đặc trưng. Thớ thịt khoai trắng ngà, đậm đà, thơm nồng mùi đất. Những tưởng với vị ngon như thế, hẳn ai cũng khó có thể cưỡng lại, ấy vậy mà chúng tôi phải ngậm ngùi trước sự thật thà của bà Lòn: “Thú thật khoai mài củ 1-2 kg nhà tôi cũng gặp nhiều nhưng nào dám ăn. Khoai mài vùng khác đã khó, khoai mài Mỹ Lợi còn hiếm hơn nữa. Cứ mỗi củ mài chồng mang về, tôi đều bẻ đụt khoai cho đều củ để bán. Số đụt khoai ấy được dồn lại, lúc nào nhiều cả nhà mới mang ra nấu”.
Trăn trở
Khoai mài dùng để ninh xương, nấu cháo hay nấu chè đều là món ngon, bổ dưỡng, đặc biệt và phổ biến nhất là chè khoai mài. Từng thớ thịt khoai được cắt lát cỡ lóng tay, nấu nhừ với đường. Vị ngọt bùi và mùi thơm hiếm có giúp người ăn xua tan mệt nhọc, hương đồng gió nội thấm vào từng ngõ ngách trong tâm hồn. |
Ông Đoàn Thừa là một trong những người “chăm chỉ” đào khoai nhất ở làng Mỹ Lợi. Sức khỏe vốn yếu nên ông không thể rong ruổi khắp nơi như ông Cà. Ngày này qua ngày khác của mùa khoai mài, ông có mặt khắp các rú cát trong làng, đào bới từng củ mài, kiếm thêm nguồn thu nhập. “Khoai mài người ta đào nơi khác về củ to, bán được giá. Khoai mài Mỹ Lợi củ nhỏ, bán chỉ bằng hai phần ba giá của họ thôi”, ông Thừa tiếc rẻ.
Có lần chúng tôi gặp ông Lê Sanh, cán bộ văn hóa lâu năm của xã Vinh Mỹ, ông Sanh than thở nhiều nét đẹp văn hóa và đời sống của người làng Mỹ Lợi đang dần mai một. Ngẫm lời ông nói, chúng tôi lại thấy xót xa cho khoai mài Mỹ Lợi, loại củ đặc sản tiếng tăm một thuở. Để duy trì giống khoai này, cần có giải pháp để bảo tồn, hoặc tươi sáng hơn như ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Mỹ: “Tôi tin khoai mài Mỹ Lợi có thể được ươm trồng, thậm chí là cho năng suất cao. Như thông tin tôi thu thập được, khoai mài đã được trồng thành công tại một số tỉnh. Đây sẽ là động lực lớn cho bà con nông dân mạnh dạn đổi mới”. Ông Hoàng còn "khoe" đang thử nghiệm trồng khoai mài. Ông cười bảo: “Tôi cũng mê loại củ này lắm!”.
Với danh tiếng sẵn có, nếu khoai mài Mỹ Lợi, loại "củ tiến vua" được trồng và tiêu thụ một cách bài bản, chắc chắn người hưởng lợi không chỉ riêng nông dân.
Bài, ảnh: Mai Huế