Điềm lành mở lối (Đồ họa: NP. Hải Trung)

“Nhiệm vụ” của Văn hiến kinh kỳ là giới thiệu vẻ đẹp của “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”, gồm: Quần thể kiến trúc cung đình Huế, Nhã Nhạc, Mộc bản, Châu bản và Thơ trên kiến trúc cung đình Huế. Vì vậy, chương trình sẽ kết hợp nhiều yếu tố trong nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế, như: hát múa, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, cộng hưởng cùng hiệu ứng âm thanh, tương tác màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật…, giúp người xem vừa lĩnh hội câu chuyện lịch sử, vừa cảm nhận những giá trị văn hóa qua những trò diễn ước lệ hấp dẫn. Tất cả được xâu chuỗi, hòa quyện đan xen làm nổi bật câu chuyện lịch sử hào hùng về đất nước Việt Nam trong thế kỷ XIX: Công cuộc xây dựng kinh đô, thực thi chủ quyền đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ...

Bằng lối kể ước lệ, Văn hiến kinh kỳ lần lượt giới thiệu về quần thể kiến trúc cung đình Huế, Nhã nhạc, Thơ trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản, Châu bản qua các chương: Thống nhất giang sơn, Đất nước thái bình và Ngàn năm văn hiến.

Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tác giả kịch bản đồng thời là đạo diễn của Văn hiến kinh kỳ, câu chuyện được mở ra khi vó ngựa trường chinh của vua Gia Long bôn ba khắp nơi tìm cách thống nhất đất nước, đến giang sơn thống nhất, xây dựng kinh đô, phát triển các giá trị văn hóa tinh thần, thực thi chủ quyền lãnh thổ... Điều này, đã góp phần trao truyền một cách mạnh mẽ để các giá trị văn hóa bao đời hội tụ, kết tinh và tỏa sáng, tạo nên một nền văn hiến trường tồn. Ngoài 5 di sản văn hóa Huế đã được UNESCO và tổ chức của UNESCO công nhận, Văn hiến kinh kỳ còn được khéo léo lồng ghép, giới thiệu về nhiều giá trị có liên quan khác, như: điệu hát chầu văn, dòng sông Hương tâm linh, nghệ thuật đúc đồng truyền thống Huế và các bảo vật quốc gia súng thần công, Cửu đỉnh…

Tại sao lại là Văn hiến kinh kỳ? Ông Nguyễn Phước Hải Trung, chia sẻ: Đây là vở diễn không phải của riêng Huế mà là đại diện của cả nền văn hóa Việt Nam. Dưới triều Nguyễn, dòng chảy văn hóa Việt Nam được hội tụ và tỏa sáng tại Huế. Cố đô Huế là kinh kỳ của đất nước Việt Nam, những di sản văn hóa Huế cũng chính là những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

“…Truyền thuyết kể rằng, mỗi khi chim phụng hoàng đậu xuống cây ngô đồng thì đất nước sẽ được thái bình thịnh trị. Nước Việt Nam qua tiến trình mở cõi đã thống nhất giang san gấm vóc. Thiên hạ yên vui, muôn dân, trăm họ ấm no, hạnh phúc. Ấy là những điểm lành đang mở lối…”. Chương 2, với chủ đề Đất nước thái bình, sẽ kể về cảnh thanh bình thịnh trị, điểm lành mở lối với muôn dân trăm họ. Hy vọng, điềm lành ấy tiếp tục được truyền cảm hứng trong mỗi khán giả của Văn hiến kinh kỳ để tình yêu quê hương, đất nước, con người lan tỏa trong cuộc sống.   

Chương trình được tổ chức dàn dựng tại sân khấu nền điện Cần Chánh (Đại Nội) vào các tối 28/4 và 30/4/2018.

ĐỒNG VĂN