- Mẹ ơi, tại sao con thiêu thân cứ lao vào lửa hả mẹ?

- Vì nó thích ánh sáng!

- Nghĩa là nó thích ăn lửa phải không mẹ?

- … Ừm ừm… nó không ăn lửa, chỉ là nó thích ánh sáng… Thế thôi…

- Rồi nó chết hả mẹ?

- Chết là sao hả mẹ???

Ngang đây thì cô em họ tôi gần như không thể trả lời câu hỏi rất hồn nhiên của cô con gái 4 tuổi được nữa. Dù câu trả lời không khó.

Xác thiêu thân luôn bám đầy trên những ngọn đèn trong nhà, trước sân; cùng nhiều câu chuyện khác rất gần gũi với cuộc sống khiến con trẻ tò mò rồi đặt những câu hỏi hồn nhiên, như: Ông bà là ba mẹ của ba mẹ phải không ạ? Cây ăn đất để lớn phải không ba?… Thực tế, không phải câu hỏi nào của trẻ cũng nằm trong sự hiểu biết của các bậc phụ huynh; và, không phải đáp án nào cũng có thể giải thích cho con. Quay sang cười quê độ, người mẹ trẻ ghé sát tai tôi hỏi nhỏ: "Theo chị, em có nên giải thích nghĩa của từ chết cho con không?"

Thực lòng, lúc đó tôi đã đặt mình vào vị trí của em và thấy lúng túng. Sự sống và cái chết thì làm sao có thể giải thích được với con trẻ. Hiểu được suy nghĩ của tôi, em đành giải quyết tình huống theo kiểu thoái thác:

- Con đi tô màu hay xem phim hoạt hình đi… chuyện đó lớn lên con sẽ tự biết.

Từ câu chuyện đó của mẹ con người em họ khiến tôi nhớ lại thời trẻ thơ mình cũng có những câu hỏi ngớ ngẩn như vậy; và rồi, nhiều câu hỏi cũng bị bố mẹ tìm cách thoái thác. Tuy vậy, có những sự thắc mắc theo chúng ta khá lâu, thậm chí có những điều đến bây giờ vẫn chưa lý giải được. Ngược lại, có những câu trả lời ngắn gọn của bố mẹ, như ý nghĩa về sức mạnh đoàn kết, về tình thân... từ câu chuyện bó đũa hay những câu nói "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "lá lành đùm lá rách"... lại góp phần trang bị thêm vốn sống cho chúng ta.

Để trả lời hàng nghìn câu hỏi của con trẻ về những điều xung quanh, không chỉ đòi hỏi cha mẹ phải thật kiên nhẫn mà còn không ngừng trang bị thêm kiến thức và xử lý tốt tình huống.

ĐĂNG VIỆT