Ngành năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh ở châu Á. Ảnh: Nikkei

IRENA cho rằng, khi các nền kinh tế châu Á phát triển, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng lên. Chính phủ các nước đã tập trung nhiều hơn vào mảng năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh học, địa nhiệt và thủy điện - do những lo ngại về việc bảo đảm nguồn cung, biến động giá cả và các vấn đề môi trường.

Đối với châu Á nói chung, bao gồm cả Trung Á, năng lượng tái tạo đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua. Trung Quốc và Ấn Độ là những nước đóng góp lớn nhất cho sự gia tăng này, tiếp theo sau đó là Nhật Bản.

Đáng chú ý, Việt Nam được IRENA xếp là nước sản xuất năng lượng tái tạo lớn thứ tư châu Á, với ngành mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng là thuỷ điện. Với nguồn tài nguyên nước dồi dào của đất nước, bao gồm cả sông Mê Kông, thủy điện trung bình chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng điện của Việt Nam.

Xếp theo thể loại, 53% năng lượng tái tạo toàn cầu đến từ thủy điện. Năng lượng gió chiếm 24% và năng lượng mặt trời đứng ở vị trí thứ ba với 18%. Tuy vậy, năng lượng mặt trời lại là loại năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất trong năm ngoái, với công suất tăng 32%. Các nhà máy điện mặt trời tương đối dễ lắp đặt và vận hành hơn so với các loại năng lượng tái tạo khác.

Cũng theo IRENA, sự gia tăng các mối lo ngại về môi trường toàn cầu và áp lực từ các nhà đầu tư đã thúc đẩy các ngân hàng đa quốc gia như ING, BNP Paribas và HSBC quy hoạch lại hoặc ngừng tài trợ cho các dự án điện than. Mong muốn có thể tự cung tự cấp năng lượng với khối lượng lớn, cùng với nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao hơn, chắc chắn sẽ ngành năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh trong nhiều năm tới.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Nikkei & Asiapost)