Gấu Bắc cực là một trong những loài động vật có thể bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này do đại dương nóng lên. Ảnh: Shutterstock
Nhiệt độ nóng lên do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến nguy cơ làm tuyệt chủng một số loài động vật biển hoang dã và gây ra những thay đổi mạnh mẽ đối với mạng lưới thức ăn đại dương vào năm 2100, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Florida và Đại học Bắc Carolina cho biết trong một bài viết được đăng trên Tạp chí Nature Climate Change.
Theo nghiên cứu, nhiều sinh vật biển hiện tại sẽ không thể chịu được nhiệt độ đại dương được dự đoán sẽ tăng thêm 2,8 độ C.
Các khu bảo tồn biển được thành lập như khu bảo tồn gấu Bắc cực, rạn san hô và các động vật hoang dã khác bị đe doạ bởi các hoạt động của con người như đánh bắt cá và khai thác dầu mỏ, đã thất bại trong việc bảo vệ các loài này khỏi tác động của sự nóng lên toàn cầu.
“Sự nóng lên ở đại dương đang xảy ra nhanh nhất ở các cực. Tình trạng này sẽ đe dọa các hệ sinh thái cực nói chung, bao gồm cả động vật hoang dã mang tính biểu tượng như gấu Bắc cực và chim cánh cụt”, ông Richard Aronson, đồng tác giả của nghiên cứu và trưởng khoa kỹ thuật đại dương và khoa học biển tại Florida Tech cảnh báo.
Bảo Nghi
(Lược dịch từ Reuters)