Đất nước từ ngày đổi mới đến nay, nền kinh tế đã trải qua nhiều đợt đầu tư theo phong trào. Hội chứng đầu tư xuất hiện. Tỉnh, thành nào cũng đầu tư xây dựng nhà máy bia, thuốc lá, xi măng lò đứng, nhà máy mía đường, sản xuất bột sắn, xây dựng cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, sân golf rồi sân bay... Trong nhiều dự án ấy, có tỉnh thành công, có nơi phá sản, đất đai bỏ hoang hóa nhiều năm. Điều này cho thấy những công trình không đem lại hiệu quả kinh tế sẽ ảnh hưởng đến tiến trình của địa phương, cơ sở khi mỗi tỉnh, thành muốn có một thực thể phát triển đồng bộ nông - công nghiệp - dịch vụ đều có...

Nhiều cuộc hội nghị, hội thảo diễn ra, nhiều ý kiến của các chuyên gia cảnh báo rằng công nghiệp hóa đất nước không có nghĩa là tỉnh, thành nào cũng công nghiệp hóa nhất loạt như nhau mà cần có sự phân công lao động phù hợp với lợi thế của từng vùng miền. Căn bệnh này một phần do lẫn lộn tư duy kinh tế, phần khác do tâm lý địa phương chủ nghĩa, căn bệnh nhiệm kỳ và nhất là cách phân bổ ngân sách và vốn đầu tư từ trung ương đã thúc đẩy cuộc chạy đua về dự án, công trình...

Quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển của tỉnh, thành là sự sao chép na ná nhau, chưa dựa trên đặc thù riêng của địa phương mình về lợi thế và vị thế.

Khảo sát của Bộ Tài chính trong những năm gần đây cho thấy nhiều tỉnh, thành ban hành thêm các văn bản pháp lý trái luật nhằm quy định các ưu đãi đặc biệt để thu hút các dự án đầu tư. Trong đó chính sách ưu đãi về đất đai nằm ngoài những quy định của chính sách đất đai quốc gia. Nhiều nơi có chính sách khuyến khích rất hào phóng về phí sử dụng đất, mở rộng thời kỳ miễn giảm thuế tới 10-20 năm. Tình hình nêu trên làm cho quy hoạch tổng thể bị xới tung, cuộc đua thu hút FDI giữa các địa phương diễn ra “sôi nóng”. Đó là cách làm mang lại lợi ích cho những nhóm người nhưng lại để lại hậu quả không tốt về an sinh xã hội, gây hại cho sự phát triển chung của đất nước.

Hệ lụy của cuộc chạy đua ấy để lại những dự án treo, quy hoạch chờ làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Quy hoạch, dự án trước khi được phê duyệt, cấp đất tất nhiên phải qua nhiều khâu thẩm định chặt chẽ từ tính khả thi, nguồn vốn đầu tư đến quy hoạch chi tiết... Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư tìm mọi cách để dự án được duyệt và được cấp đất. Được rồi lại không triển khai xây dựng mà “chờ” bán đất, chuyển giao dự án kiếm lời. Thông thường, các dự án được cấp đất được đền bù theo giá quy định nhưng khi chuyển thành khu đất của dự án thì sau đợt san lấp mặt bằng, dựng vài trụ điện... lập tức nó trở thành khu đất vàng, giá bán gấp vài chục lần...

Dự án treo ấy bộc lộ một lổ thủng của cơ chế bởi các quy định lỗi thời. Nó chỉ ra những yếu kém về năng lực tư duy, về nạn tham nhũng, quan liêu trong cả hệ thống từ lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch đến quản lý quy hoạch của các cấp, các ngành trong nhiều năm qua. Hình như người ta quen cấp, duyệt dự án mà lãng quên việc kiểm tra, quản lý việc thực hiện dự án và biện pháp thu hồi dự án khi nó không tuân thủ luật định.

Tại TP Hồ Chí Minh, mới đây, các chuyên gia cảnh báo về sự vi phạm pháp luật của các dự án treo, quy hoạch chờ. Tỉnh Tây Ninh và Long An sau khi soát xét, kiểm tra lại các dự án, quy hoạch treo đã thu hồi hàng vạn hecta đất trả lại cho người dân sản xuất, kinh doanh.

Dự án treo, quy hoạch chờ là các dự án đầu tư được phê duyệt theo quy định nhưng kéo dài quá nhiều năm không thấy động tĩnh gì. Nó có tác động xấu đến cuộc sống của người dân trong vùng dự án, vùng quy hoạch. Người dân sống trong vùng quy hoạch treo không được cấp giấy CNQSDĐ; nhà ở cũ nát không được xây cất mới, không được chuyển nhượng, mua bán. Ở trong vùng dự án, quy hoạch treo, hạ tầng kỹ thuật ít được chú ý đầu tư như điện, nước, đường sá. Dự án treo, quy hoạch chờ gây bức xúc trong cộng đồng, tổn hại kinh tế, cuộc sống của người dân.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có những dự án treo, quy hoạch chờ tồn tại tới chục năm nay. Cuộc sống của người dân ở những vùng ấy lúng ta lúng túng. Đi cũng không được ở cũng không xong. Nhiều lần tiếp xúc với người dân ở các vùng dự án treo, quy hoạch chờ, họ có những tâm tư, nguyện vọng đáng quan tâm. Họ mong dự án, quy hoạch sớm thực hiện để họ lo cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Nhiều người chấp nhận khi nói rằng thôi thì treo bao lâu cũng được nhưng đề nghị các cấp, các ngành tìm cho dân một nơi ở mới. Cuộc sống luôn biến động từ chuyện ăn, ở, học hành, sản xuất kinh doanh. Biến động ấy bị bó lại trong khuôn phép của dự án, quy hoạch treo, tất nhiên là treo luôn tính an sinh của người dân trong vùng dự án.

Có trách nhiệm với nhân dân, đặt mình trong thế sống của người dân ở vùng dự án, quy hoạch treo, chắc chắn chúng ta sẽ có giải pháp tốt về an sinh xã hội cho người dân.

Quốc hội đang kiên quyết sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đây là việc làm hợp với lòng dân. Mong sao, từ đó để hạn chế và loại trừ hiện tượng dự án treo, quy hoạch chờ tồn tại quá nhiều năm.

Chiến Hữu - Văn Thanh