Trẻ em gái tị nạn Afghanistan sau giờ học tại một trại tị nạn ở ngoại ô thủ đô Islamabad, Pakistan. Ảnh: AFP

Khoảng 260 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được đi học, bao gồm cả 10 triệu trẻ tị nạn, theo một ủy ban giáo dục được thành lập vào năm 2015 nhằm tăng cường đầu tư vào giáo dục.

Nếu xu hướng này tiếp tục, 1/2 trẻ em trên thế giới, tương đương với 400 triệu trẻ sẽ không được giáo dục ngoài 11 tuổi đến năm 2030, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, hiện đang là đặc phái viên của LHQ về giáo dục toàn cầu khẳng định.

"Sự phân chia lớn nhất trên thế giới ngày nay là giữa 1/2 tương lai của chúng ta, những người sẽ được giáo dục, và 1/2 còn lại sẽ bị bỏ lại phía sau", ông Brown nói trong một cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ.

LHQ đặt mục tiêu trong chương trình nghị sự phát triển toàn cầu của mình để cung cấp giáo dục tiểu học và trung học cho tất cả trẻ em đến năm 2030. Tuy nhiên, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho hay, số tiền tài trợ cần thiết để hỗ trợ giáo dục ở những quốc gia nghèo hơn vẫn còn xa tầm với.

Ủy ban giáo dục hiện đang đàm phán với 20 quốc gia tài trợ để đóng góp cho Cơ sở Tài chính Quốc tế cho Giáo dục mới, nhằm ban đầu hỗ trợ 20 triệu trẻ đến trường. Các nhà tài trợ ban đầu dự kiến ​​là các quốc gia châu Âu, Mỹ, Canada, các quốc gia vùng Vịnh, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, quỹ này sẽ gắn liền với các cải cách, thúc đẩy các quốc gia mở cửa tiếp cận với các trường học và cam kết chia sẻ nguồn tài chính của mình nhiều hơn cho giáo dục.

Ông Guterres trước đó đã chào đón ông Brown và một phái đoàn sinh viên đến từ châu Á và châu Phi tại LHQ, đồng thời nhấn mạnh: "Giáo dục nên là niềm đam mê của mọi Chính phủ. Chúng ta cần đảm bảo có một sự ủng hộ rất mạnh mẽ cho các nhà đưa ra quyết định trên khắp thế giới để hiểu được ưu tiên này".

Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, Ngân hàng Phát triển châu Phi, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu đang ủng hộ sáng kiến ​​nói trên.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)