Hàng trăm loài cá sẽ bơi về phía Bắc để tránh tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Independent
Theo nhận định của các chuyên gia, nhiều khả năng hàng trăm cá thể cá và động vật có vỏ sẽ bị buộc phải bơi về phía bắc để tránh những tác động của biến đổi khí hậu. Về lâu dài, hiện tượng này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành đánh bắt toàn cầu.
Vấn nạn tăng cao
Sinh vật biển là loài động vật vô cùng nhạy cảm với nhiệt độ của nước. Một khi nước trở nên quá ấm, chúng sẽ tự động bơi đến các vùng nước mát hơn, phù hợp với điều kiện sinh sống hơn. Hiện tượng này xuất hiện ngày một nhiều, khi các ngư dân ở Anh nói riêng và trên thế giới nói chung đã nhiều lần cảnh báo về sự thay đổi trong chủng loại và số lượng cá thể sinh vật đang di chuyển ồ ạt tại một độ sâu nhất định dưới mặt nước biển.
Trong một báo cáo được đăng trên tạp chí PLOS ONE, các nhà khoa học dự đoán ước tính sẽ có đến gần 700 loài cá và nhiều chủng loại sinh vật có vỏ khác sẽ đến sinh sống tại một số vùng biển quanh khu vực bắc Mỹ trong tương lai. Trong bối cảnh nhiệt độ nước tăng lên quá cao, số lượng phát thải nhà kính nhiều, dự kiến sẽ có đến 2/3 tổng số loài sinh vật biển nằm trong diện nghiên cứu buộc phải di chuyển đến khu vực cách xa 1000 km so với môi trường sống hiện tại.
Ảnh hưởng và hướng đi sắp tới
Nhìn chung, khi vấn đề xảy ra ngày một nhiều, ngư dân nói riêng và ngành đánh bắt nói chung sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là khi các chủng cá như cá tuyết, cá chẽm, cua biển sẽ còn rất ít, công tác đánh bắt sẽ trở nên khó khăn, tốn kém gấp nhiều lần.
Phát biểu trước báo giới, Giám đốc quản lý chương trình quản lý thủy sản của WWF UK Helen McLachlan khẳng định: “Chúng ta cần khẩn trương giảm phát thải nhà kính và đi đầu trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Khi chúng ta rời khỏi EU, chính phủ Anh cần đề ra dự luật đánh bắt nghiêm ngặt để cùng lúc bảo vệ sự đa dạng của quần thể sinh vật biển và duy trì đà phát triển của ngành cá nước mình”.
Đan Lê (Lược dịch từ Independent)