Tanzania có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng bất bình đẳng, đặc biệt là ở phụ nữ vẫn ở mức cao. Ảnh: UNCTAD

Báo cáo Triển vọng Tình hình Kinh tế Thế giới (WESP) của LHQ ngày 17/5 cho hay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng hơn 3% trong năm nay và năm tiếp theo, cải thiện so với mức tăng 3% và 3,1% cho năm 2018 và 2019 được dự báo 6 tháng trước đó.

Bản điều chỉnh phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển nhờ tăng trưởng lương, điều kiện đầu tư thuận lợi rộng rãi và tác động ngắn hạn của gói kích thích tài chính tại Mỹ. Đồng thời, sự gia tăng phổ biến trong nhu cầu toàn cầu thúc đẩy tăng trưởng tổng thể đối với thương mại, trong khi nhiều quốc gia xuất khẩu hàng hóa cũng sẽ được hưởng lợi từ giá năng lượng và kim loại cao hơn.

Trong một bài phát biểu, Trợ lý Tổng Thư ký Chương trình Môi trường của LHQ, ông Elliott Harris cho biết, dự báo tăng trưởng nhanh là tin tức tích cực cho nỗ lực quốc tế để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 (SDGs), bao gồm xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, ông Harris lưu ý, báo cáo “nhấn mạnh rằng, các rủi ro cũng tăng lên”, nguy cơ gia tăng “làm nổi bật nhu cầu khẩn trương trong việc giải quyết một số thách thức chính sách, bao gồm các mối đe dọa cho hệ thống thương mại đa phương, bất bình đẳng cao và sự gia tăng lượng khí thải carbon”.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy, bất bình đẳng thu nhập còn cao đáng báo động ở nhiều quốc gia, nhưng vẫn có bằng chứng về những cải thiện đáng chú ý ở một số quốc gia đang phát triển trong thập kỷ qua.

Ngoài ra, lượng khí thải carbon dioxide liên quan đến năng lượng toàn cầu tăng 1,4% trong năm 2017, do tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhanh hơn; chi phí nhiên liệu hóa thạch tương đối thấp và các biện pháp hiệu quả năng lượng yếu hơn, cũng như các yếu tố khác.

Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)