Sau khi đưa máy dệt do nguồn vốn KC hỗ trợ 50% kinh phí vào hoạt động, sản phẩm truyền thống của làng nghề A Lưới sẽ đẹp hơn và cho năng suất cao hơn gấp 4-5 lần

Với trên 1 ngàn hộ dân tham gia sản xuất, nghề dệt zèng (thổ cẩm) của đồng bào Tà Ôi, A Lưới đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và giải quyết một lượng lớn lao động nhàn rỗi. Song, lâu nay người dân gặp khá nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ do sản phẩm chủ yếu dệt thủ công nên năng suất thấp, giá thành cao và chất lượng chưa đồng đều.

Thành lập từ năm 2015 với gần 20 xã viên, mỗi tháng HTX dệt thổ cẩm A Co dệt từ 3-4 tấm vải zèng, cung cấp cho Cơ sở Hy Vọng, TP. Huế và Công ty Thiên Trang ở Hà Nội. Do sản phẩm chủ yếu dệt thủ công tốn nhiều thời gian, chất liệu vải dày, giá thành cao (1 tấm vải có giá bán 500 ngàn đồng) nên không đủ cung ứng cho các đối tác, không thể sử dụng để may trang phục học sinh hay các sản phẩm dân dụng khác.

Trước thực trạng đó, Trung tâm KC&Tư vấn phát triển công nghiệp đã tiến hành khảo sát, thẩm định và hỗ trợ cho HTX Dệt thổ cẩm A Co 35 triệu đồng trang bị máy sản xuất sản phẩm vải zèng bao gồm bộ dàn khung dệt cải tiến và các phụ kiện đi kèm, công suất 30m vải/ngày.

Giám đốc HTX-Trương Thị Huyền cho biết, sau khi đưa máy dệt vào hoạt động, năng suất dệt tăng lên gấp 4-5 lần so với dệt thủ công, đồng thời giá thành hạ và chất liệu vải mềm, mát nên các trường học trên địa bàn huyện đã đặt may đồng phục học sinh với số lượng lớn, góp phần khôi phục nghề truyền thống và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Theo Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện A Lưới- Phan Duy Thanh, phát triển dệt zèng không chỉ là hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống mà còn là phương thức thoát nghèo hiệu quả của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Từ sản xuất thủ công, thông qua nguồn vốn KC, hiện trên địa bàn đã có máy dệt góp phần nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng và tăng số lượng sản phẩm.

Sau khi đánh giá kết quả, huyện sẽ nhân rộng mô hình đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất dệt zèng, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn KC, khôi phục nghề để hỗ trợ máy móc cho các cơ sở dệt trên địa bàn.

Giám đốc Sở Công thương- ông Nguyễn Thanh cho biết, trong năm 2018, nguồn vốn KC sẽ tập trung hỗ trợ các HTX, cơ sở công nghiệp nông thôn khôi phục và phát triển nghề truyền thống; trong đó sẽ tập trung các nghề như dệt zèng, mộc mỹ nghệ, mây tre đan, đệm bàng, đúc đồng… Ngoài việc hỗ trợ kinh phí trang bị máy móc, nguồn vốn KC sẽ tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cải tiến mẫu mã sản phẩm, đào tạo nghề với mục đích nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ.

Bài. ảnh: Thanh Hương